Nhà thờ Châu Sơn, nàng công chúa ngủ trong rừng

Kim Truyền – Phụng Thiên| 14/05/2022 10:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhà thờ Châu Sơn là một trong những kiến trúc đặc sắc của Ninh Bình. Nhà thờ đẹp, cổ kính nhưng vẫn ít được nhiều người biết đến. Một phần do vị trí địa lý, một phần do nơi đây là nơi đặt trụ sở của Đan viện Xi tô- một dòng tu kín của Giáo hội Công giáo nên đòi buộc sự tĩnh lặng rất cao. Trước đây, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đích thân về đây mời vị giám mục giáo phận khi đó là giám mục Tađêô Lê Hữu Từ làm cố vấn tối cao cho Người.

Đẹp như nàng công chúa ngủ trong rừng

Tháng 8-1945, chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết thư cho giám mục, trong thư Người có đoạn: “Có một nhà lãnh đạo mới của người Công giáo đi theo chân Đức Giêsu, chịu đóng đinh hầu giúp giáo dân biết hy sinh và chiến đấu bảo vệ tự do và độc lập của đất nước”.

Nhà thờ Châu Sơn nằm cách nhà thờ chính tòa Phát Diệm 65 km, cách thành phố Ninh Bình 35 km, cách trung tâm thị trấn Nho Quan 2 km và cách Hà Nội 97 km. Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1939 với lối kiến trúc Gotic và không trát vữa bên ngoài. Bởi vậy, những viên gạch chồng chồng lớp lớp với nhiều mảng rêu bám đã tạo nên nét cổ kính đặc trưng của nhà thờ.

1-1-.jpg

Một góc nhà thờ Châu Sơn

Bức tường nhà thờ dày tới 0,6 m, chỗ có cột dày 1,2 m tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hạ. Với thiết kế âm học nên mỗi khi tiếng nhạc thánh ca hay những bài kinh, giờ giảng lễ vang vọng rất đặc biệt.

Trong khuôn viên nhà thờ là nơi đặt trụ sở của Dòng Xi tô, một Dòng tu chiêm niệm. Các tu sỹ nơi đây thường thức dậy từ lúc 3 giờ 45 phút mỗi sáng (trừ cuối tuần). Họ nuôi cá, nuôi dê, trồng cây, xây dựng… như những người dân. Đồng thời xen kẽ trong những giờ lao động miệt mài ấy là những giờ học tập, giờ lên nhà thờ cầu nguyện, giờ tập thể dục… được sắp xếp rất khoa học.

2(1).jpg

Nét cổ kính hằn rõ lên từng viên gạch nhà thờ

Vốn là một Dòng khổ tu, nhưng khi được tiếp xúc với những tu sỹ nơi đây, họ luôn ánh lên vẻ vui tươi, bình an, và hạnh phúc. Vào những lúc không phải giờ lễ hay giờ kinh, nếu độc bước trong không gian tĩnh mịch của nhà thờ, một cảm giác bình an choán lấy là điều dễ cảm nhận được. Những hàng ghế thẳng tắp, những chi tiết tỉ mỉ từ những hàng cột lớn đến những viền họa tiết trên gian cung thánh. Nhìn vẻ bề ngoài mộc mạc đơn sơ, với lớp gạch xù xì không trát vữa tô sơn, nhưng bước vào trong nhà thờ là biết bao nhiêu những cố gắng trong nghệ thuật kiến trúc của những con người thế kỷ trước.

Có một “vườn địa đàng” thu nhỏ cạnh nhà thờ Châu Sơn

Những nét cổ kính của nhà thờ Châu Sơn được khu vườn mang tên Fatima tươi mới hòa quện với nhau tạo nên một không khí vừa truyền thống vừa hiện đại. Nếu như tham quan nhà thờ, du khách sẽ không khỏi trầm trồ bởi những đường nét, góc cạnh đầy tinh tế đậm lối kiến trúc Âu châu. Còn như khi du khách đi dạo trong khu vườn Fatima, hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết ý nghĩa của mỗi vật thể nơi đây.

3(1).jpg

100 viên đá cẩm thạch tượng trưng cho 100 trứng của Mẹ Âu Cơ

Chẳng hạn như khi du khách đi qua, nhìn thấy một cây sung to nhưng thấp, có dáng dấp gần giống một con người, hóa ra cây sung là biểu trưng của một sứ điệp trong Kinh Thánh, đó là sứ điệp sám hối. Lấy tích xưa được ghi chép trong Kinh thánh , kể về nhân vật Giakêu. Giakêu là một người làm nghề thu thuế, tội lỗi, một người giàu có. Khi gặp Chúa Giê su thì ông được ơn ăn năn hoán cải. Chúa Giê su vào thành Giê ri cô. Ông lùn và thấp bé nên phải trèo lên cây sung để được nhìn thấy Chúa. Sau khi gặp Chúa thì ông bỏ nghề thu thuế, ông lấy một nửa gia tài chia cho người nghèo, nửa còn lại tham nhũng của ai thì sẽ đền bù gấp bốn.

Tiếp nữa, du khách sẽ thấy những viên đá cẩm thạch tròn đẹp, trắng muốt. Hóa ra những viên đá ấy tượng trưng cho 100 quả trứng của Mẹ Âu Cơ. 100 quả “nở ra” 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam anh hùng. 54 dân tộc cũng như tượng trưng cho 50 kinh kính mừng và 4 kinh sáng danh.

Trong tâm tình của sứ điệp sám hối, du khách đi theo một lối đi nhỏ được xây bằng đá ong dẫn xuống một cái hầm. Dưới hầm có một khoảng không gian khá rộng, có mái vòm khá cầu kỳ. Ở giữa khoảng không gian dưới hầm ấy, có một giếng nước, tượng trưng cho giếng Gia cóp. Một lần Chúa Giêsu đến giếng thì gặp một người phụ nữ. người phụ nữ ấy là một người tội lỗi, chị rất tự hào về cái giếng. Chúa bảo:"Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."

4(1).jpg

Những chum tượng trưng cho chum rượu trong tiệc cưới Cana

Trung tâm của khu vườn chính là bức tượng Đức Mẹ Fatima đứng trên tảng đá có 4 con thú dữ. Những con thú dữ tượng trưng những sự ác đang hoành hành thế giới. Sự ác ấy bao gồm biết bao nhiêu điều như: Giết người, phá thai, tà dâm, ích kỷ, kiêu ngạo…

Sỏi trắng tượng trưng cho biển trần gian. Cuộc đời con người như đi trên biển trần gian, rất khó khăn. Sỏi trắng cũng như biển lớn, như lòng mẹ bao la. Biển sỏi trắng cũng tượng trưng cho lòng Đức Mẹ trinh trắng, thanh sạch. Những chiếc chum gợi lại trong tiệc cưới Cana khi Đức Mẹ đã quan tâm tới gia chủ đám cưới khi họ bị hết rượu.

5(1).jpg

Lối dẫn xuống giếng Giacop

Cách khuôn viên nhà thờ khoảng 10 phút đi bộ, có một lối đi với hàng trăm bậc dẫn lên 1 hang núi lớn, gọi là hang Đức Mẹ. Trên đó có các ghế nhựa chồng sẵn và có cả bàn làm bằng đá để cử hành thánh lễ. Hàng năm, có rất nhiều lượt người tuôn về thăm quần thể kiến trúc nhà thờ Châu Sơn, và không ít người cũng đã thử sức leo lên hang Đức Mẹ. Từ trên cửa hang, ở lưng chừng ngọn núi mà phóng tầm mắt ra xa với núi sông uốn lượn quanh quanh, thật thêm lòng mộ đạo và yêu quê hương Việt Nam hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thờ Châu Sơn, nàng công chúa ngủ trong rừng