Nhà máy xi măng hơn 1.400 tỷ đồng bỏ hoang

Thanh Phương| 26/08/2021 15:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây chừng 13 năm, một siêu dự án có quy mô hơn nghìn tỷ đồng được triển khai ở khu vực huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) được người dân mong ngóng. Thế nhưng, thời gian cứ đằng đẵng trôi qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống với mấy dãy nhà cấp 4.

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 03/03/2008, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xi măng Thanh Sơn. Tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, sử dụng diện tích sử dụng đất 36,14 ha, tại thôn Văn Sơn, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc. Với công suất 2.500 tấn Clinker/ngày, sản phẩm chất lượng cao, cung cấp cho thị trường miền Tây Thanh Hóa, các địa bàn nằm hai bên đường Hồ Chí Minh, xuất khẩu sang nước bạn Lào. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần cân đối cung, cầu xi măng cho cả nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết việc làm cho con em địa phương, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

a1duan.jpg
Khu nhà ở cho công nhân đã xuống cấp trầm trọng.

Thế nhưng với nhiều lí do khác nhau, nhà máy khởi công rầm rộ được một thời gian thì “đắp chiếu”. Chính quyền địa phương, người lao động càng ngóng càng biệt tăm. Dự án có nguy cơ “chết yểu” kéo theo đó rất nhiều hệ lụy.

Một người dân thôn Giang Sơn (xã Thúy Sơn) cho biết: “Khi nhà máy được khởi công, người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Người dân sẽ có công ăn việc làm, con em mình không phải tha phương cầu thực nữa. Khi chủ đầu tư mang máy móc, thiết bị về làm rầm rộ, chúng tôi còn nghỉ cả việc lên đồi để ra xem. Nhà tôi cậu con trai cả cũng được cử đi học vận hành dây chuyền sản xuất xi măng. Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Khi con tôi đi học về đợi mãi, chẳng thấy thi công tiếp, chỉ san lấp mặt bằng, xây tường rào bao và bên kia đường đã xây dựng được khu nhà ở cho công nhân rồi bỏ đấy đến nay, công trình đã xuống cấp nhiều rồi. Con trai tôi nay đã có 2 mặt con, nhà máy vẫn nằm đấy, thật là lãng phí...”.

a2duan.jpg
Tường rào dự án bị đổ từ lâu

Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn Lê Phúc Hành cho biết: Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn triển khai thực hiện năm 2009 nhưng đã dừng thi công cho đến nay, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, quỹ đất sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực, trong đó trực tiếp nhất là 206 hộ dân (thôn Vân Sơn 65 hộ, thôn Lương Sơn 99 hộ, thôn Hồng Sơn 29 hộ, thôn Thanh Sơn 13 hộ) đã hy sinh đất ở, đất nông nghiệp để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, vì người dân không còn đất để canh tác và các thành viên trong gia đình từng đi học nghề để được làm việc trong nhà máy cũng không có việc làm nên phải tìm các công việc khác để sinh sống khiến cuộc sống khó khăn, thu nhập không ổn định, xã cũng như người dân rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét có hướng giải quyết, tránh để lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Dự án cứ treo không biết đến bao giờ trở thành rào cản cho chính quyền và người dân nơi đây. Cực chẳng đã, xã Thúy Sơn phải đề nghị huyện Ngọc Lặc kiến nghị tỉnh bỏ quy hoạch Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại khu đất công nghiệp thuộc và đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất trên là đất công nghiệp định hướng thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.  

Trong văn bản số 718/UBND-KTHT ngày 20/4/2021 huyện Ngọc Lặc nêu rõ: Vị trí mỏ đá vôi làm nguyên liệu phục vụ dự án tại khu vực núi Sắt sẽ ảnh hưởng đến địa danh nêu trên, cũng như một phần văn hóa của người dân tại khu vực này vì đó là địa danh dân gian của người Mường với truyền tích khởi nghĩa Lam Sơn, tại đây đã được Vua Lê Lợi đặt tên địa danh là núi Sắt. Bên cạnh đó, địa danh này đã được đưa vào thơ ca của dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc và Danh mục ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Thanh Hóa; Mặt khác địa danh trên cũng gần kề với khu di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh Hang Bàn Bù đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố tại Quyết định số 69/QĐ-CT ngày 10/01/2005 của UBND tỉnh Thanh Hóa, vì vậy việc khai thác mỏ nguyên liệu tại vị trí nêu trên sẽ ảnh hưởng lớn đến cả quần thể di tích văn hóa, tâm linh của mọi người dân trên địa bàn huyện.

Nếu tiếp tục thực hiện dự án nêu trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường khu vực bởi gần sát khu dân cư hiện hữu trong đô thị, nguy cơ khói bụi, tiếng ồn sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trước mắt và lâu dài, mặt khác vị trí xây dựng nhà máy nằm trên trục đường trung tâm của tâm đô thị với định hướng phát triển các khu chức năng khành chính, thương mại, dịch vụ, công cộng…

a3duan.jpg
Siêu dự án treo nhiều năm

Thanh Hóa đang vươn mình trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nhờ môi trường thông thoáng, chính quyền sát cánh cùng các đơn vị để giải quyết vấn đề nảy sinh sớm triển khai dự án có hiệu quả. Đối với dự án kéo dài, khó khả thi, không phù hợp với tình hình mới thì nên chấm dứt, thu hồi tránh lãng phí tiền của, tài nguyên…


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà máy xi măng hơn 1.400 tỷ đồng bỏ hoang