Đằng sau câu chuyện là sự cố gắng, phấn đấu hy sinh của một tập thể những nhà báo trẻ. Tác phẩm được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 đánh giá cao.
Đối với người phóng viên, sự dấn thân mạo hiểm với mục tiêu phải thể hiện được câu chuyện dưới hình thức đa phương tiện, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã không lường trước được những khó khăn, vất vả trong “cuộc chiến” Ba Vàng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi có cuộc gặp gỡ trò chuyện với một trong số thành viên nhóm tác giả tác phẩm truyền bá “vong báo oán” chùa Ba Vàng, nhà báo Nguyễn Hoàng Long - Ban Thời sự Báo Lao Động. Câu chuyện về chùa Ba vàng đã tạo nên cơn sốt dư luận, đem lại thành công lớn đối với nhóm và cũng như cá nhân anh.
Anh kể, trong năm 2019, anh và nhóm thực hiện hai, ba tuyến bài điều tra, bản thân là một phóng viên làm về mảng điều tra và các thành viên nhóm cũng thường xuyên chung đề tài. Khi qua nghiên cứu và chọn lọc thực tế, bản thân anh thấy tuyến bài chùa Ba Vàng là tâm đắc nhất, thực tế đã chứng minh đề tài về chùa Ba Vàng để lại hiệu ứng nhất định trong lòng cộng đồng, và có tác động rất lớn đối với xã hội.
Việc chọn đề tài là quyết định cả cơ quan không riêng cá nhân nhóm. Ở góc độ cá nhân anh, đề tài chùa Ba Vàng khá đặc biệt. Vì Phật giáo ở Việt Nam xưa nay là vấn đề nhạy cảm. Có những câu chuyện trong chùa ai cũng nghe, cũng biết, không phải cơ quan báo chí nào dám nói lên sự thật đang tồn tại. Bản thân anh thấy đề tài chùa Ba Vàng có tính phát hiện cao, xưa nay có rất ít bài báo đề cập tới, nói về mặt trái của đình chùa. Nhắc lại quá trình tác nghiệp trong hoàn cảnh là nơi phật giáo thanh tịnh, nơi mà người dân luôn tin vào đó để cầu may, cầu bình an hạnh phúc cho gia đình, thì ngược lại nó lại chính là nơi đang gây nên sự mê tín, hoang mang cho mọi người.
Nhà báo Hoàng Long nhớ lại những ngày tác nghiệp đầy lo lắng, sợ hãi ở nơi cửa phật thanh tịnh. Mới đầu phóng viên phải vượt qua ít nhất 3 cửa kiểm soát an ninh tại nhà chùa để vào được căn phòng cuối cùng, tận mắt thấy và ghi lại được những màn mặc cả, kỳ kèo, vòi tiền người đi thỉnh từ các vong.
Khó khăn chính là việc làm thế nào để giống nhất người đang say mê bài giảng, tác nghiệp rất khó vì phải kiểm duyệt, sờ túi, khó khăn chính là ghi những hình ảnh. Được sự hỗ trợ từ phía cơ quan, những thiết bị quay lén trên thị trường đều được đầu tư, kính đồng hồ, cúc áo dây chuyền, nhét đủ nơi. Có đến 4 phóng viên cùng vào đó ghi cảnh. Chỉ có một cảnh đạt được và tạo hiệu ứng cho bài báo.
“Khó khăn sau đó chúng tôi gặp phải khi bài báo xuất bản, những phần tử cuồng tín họ tìm mọi cách tiếp cận, xúc phạm. Mạng xã hội ngày càng phát triển, người ta tìm đến tác giả bài báo. Chúng tôi thường xuyên bị quấy nhiễu, làm phiền rồi đến tận cơ quan kiện tụng từ Tổng Biên tập đến Trưởng ban… Họ tìm mọi cách để gây áp lực cho chúng tôi”. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn gắng vượt qua để đưa những tin bài hay nhất cho độc giả.
Tiếp đó, phóng viên trong một buổi nhập vai thậm chí đã bị yêu cầu ra khỏi khu thỉnh vong và không được “quay trở lại” trong vòng một năm. Có thời điểm nhóm phóng viên đã nghĩ đến việc từ bỏ vì không thể nào tìm được cách ghi hình những điều diễn ra trong “căn phòng cuối”. Ngoài những phóng viên tác nghiệp “vòng trong”, nhóm có những người phụ trách “vòng ngoài” là những khu vực khác tại chùa với mục tiêu ghi nhận cái nhìn toàn cảnh về các hoạt động của chùa Ba Vàng.
Tất cả những chứng cứ, dữ liệu đều phải được cụ thể hoá bằng clip, hình ảnh rõ nét và lưu trữ cẩn thận. Nhà báo Hoàng Long chia sẻ: “Sau hơn 2 tháng lăn lộn, nhóm phóng viên chúng tôi đã thu thập được đầy đủ những chứng cứ cần thiết với gần 300GB dữ liệu. Trong khoảng thời gian này, nhóm phóng viên vẫn thực hiện các công việc tại tòa soạn như bình thường. Để có được video phóng sự dài hơn 6 phút, chúng tôi phải mất gần một tuần để cùng nhau ngồi xem lại tất cả các dữ liệu, cắt gọt những đoạn video ngắn và đắt giá nhất”.
Đến ngày 20/3/2019, sự hấp dẫn của phóng sự “Truyền bá vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỷ” treo cover trên Laodong.vn. Chưa đầy 2 tiếng sau, nhiều tờ báo điện tử dẫn lại các bài viết, mạng xã hội lan truyền chóng mặt.
Nhà báo Hoàng Long tâm sự: “Trên Facebook hàng loạt các nhóm, hội được thành lập nhằm mục đích bêu xấu, thậm chí có những thông tin liên quan thuyết âm mưu nhận tiền từ các chùa khác. Bởi vì tin tưởng tính đúng đắn của tòa soạn, tin tưởng sự ủng hộ dư luận, đặc biệt là sự bảo vệ của Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Hiển mà tuyến bài này mới trụ được. Cá nhân bài viết của ê-kíp chúng tôi đã được Giải Nhất trong Giải Báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, đó cũng là sự nỗ lực cố gắng của cá nhân và các thành viên trong nhóm cũng như sự nỗ lực, động viên từ phía cơ quan”.
Khi bài báo được đăng tải, rất nhiều độc giả bình luận về sự việc này rằng: “Trong thời đại mà người ta nói về 4.0, nói về phát triển kinh tế thì không thể hình dung được chính tại ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất miền Bắc như Ba Vàng lại tồn tại hình thức mê tín dị đoan, trục lợi trên sự u mê của người dân như vậy. Cơ quan chức năng đã ở đâu trong suốt những năm qua để ngôi chùa này tác oai, tác quái như vậy?”.
Tại thời điểm ngày cuối tháng 3/2019, khi câu chuyện “gọi vong” chùa Ba Vàng vẫn đang nóng rực, nhóm phóng viên liên tục nhận được điện thoại từ… người thân và đồng nghiệp.
Nhà báo Hoàng Long kể lại: “Thời điểm nhóm phóng viên về quê nhà của sư Thích Trúc Thái Minh tại Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh), họ nhận được những tin nhắn của người dân ở đây cảnh báo: Có người thuê giang hồ lấy mạng của phóng viên Báo Lao Động với giá 500 triệu đồng/người”. Thế nhưng, với niềm tin vào công lý, sự thật luôn là kim chỉ nam cho những phóng viên yêu nghề. Không vinh quang nào qua nhanh bằng vinh quang nghề báo. Để rồi, chùa Ba Vàng và câu chuyện “thỉnh vong” được bóc mẽ, đã trở thành một ví dụ điển hình cho sự nhiệt huyết, sức trẻ, cái tâm và lòng yêu nghề của những phóng viên trẻ thích mạo hiểm.
Càng tiếp xúc với nhà báo Hoàng Long, tôi cảm thấy anh là một người yêu nghề có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Theo anh, để thành công thì người phóng viên luôn phải dấn thân để khai thác được những cái hay, những mặt trái của xã hội. Thành công của loạt bài về chùa Ba Vàng ngày hôm nay là công sức không chỉ riêng cá nhân anh mà đó là công sức của một tập thể, một ê-kíp những người phóng viên kiệt suất, luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy gian khổ. Và rồi tác phẩm của nhóm đã được phía cơ quan đề xuất tham gia cuộc thi Giải Báo chí Quốc gia, đó là niềm vinh dự, niềm hạnh phúc vô cùng đối với người làm báo.
Có thể nói, dù phải tác nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều tuần lễ phải thâm nhập trong vùng nguy hiểm, nhưng nhà báo Hoàng Long và ê-kíp vẫn có nhiều bài viết hay và hình ảnh phản ánh rõ nét hình thức truyền bá “vong báo oán” tại chùa Ba Vàng. Ngay cả trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng bản thân anh và ê-kíp vẫn luôn tận dụng từng giờ, từng phút để lấy những thông tin đắt giá, quan trọng đem lại cho độc giả về mặt trái của xã hội đang diễn ra tại nơi cửa Phật.
Những hy sinh với nghề của cá nhân anh và nhóm được bạn bè, và ban lãnh đạo cơ quan ghi nhận. Đó là niềm động viên lớn nhất đối với cá nhân Hoàng Long và ê-kíp. Anh chỉ mong những phần tử truyền bá thông tin sai lệch về đạo Phật, những con người cổ súy, truyền bá không tốt về đạo Phật, cụ thể như truyền bá “vong báo oán” tại chùa Ba Vàng sẽ bị lên án, để cuộc sống người dân được bình yên.