Nguyên Tổng Giám đốc PVPower: Tập đoàn thúc ép ký hợp đồng 33

Mạnh Hùng| 10/01/2018 13:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (10/1), phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo bước sang ngày làm việc thứ 3, luật sư tiếp tục hỏi các bị cáo, người liên quan xung quanh Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh và Lương Văn Hòa) trong buổi sáng hôm nay dành hơn một tiếng để hỏi thân chủ là bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - cựu Phó Tổng giám đốc PVC, xung quanh việc ký hợp đồng 33 tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là bản hợp đồng để căn cứ vào đó, PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC dẫn đến việc tiền bị sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.

Nguyên Tổng Giám đốc PVPower: Tập đoàn thúc ép ký hợp đồng 33

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (Ảnh: Hải Đăng)

Khi được hỏi về một văn bản chỉ đạo thực hiện hợp đồng, ông Khánh nói ngay: "Thẩm quyền phê duyệt thuộc về Hội đồng thành viên của PVN, tôi không có trách nhiệm gì". Ông Khánh cũng phủ nhận vai trò của mình tại nhiều văn bản được nêu tại tòa. Riêng việc thanh lý hợp đồng 33, ông nói đó là việc bắt buộc phải làm để sau đó ký lại hợp đồng 4194. 

Trong phần trả lời luật sư Nguyễn Hoài Linh, ông Khánh nói không được báo cáo gì về việc ký hợp đồng số 33, bởi việc này thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng thành viên. Sau khi nhận tiền, ông Khánh mới biết hợp đồng này thiếu căn cứ. Ông Khánh nhận có chỉ đạo nội dung đàm phán tiền tạm ứng chứ không chỉ đạo tạm ứng 10% giá trị hợp đồng. Ông không nhận được công văn xin tạm ứng của PVC. 

Cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh khai ông Khánh không có chỉ đạo trực tiếp nào với mình. Ông Quỳnh căn cứ các công văn để thực hiện việc cấp vốn.

Cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn cũng khai không biết về việc ký hợp đồng. Việc PVN cấp vốn là theo kế hoạch của Ban quản lý dự án.

Nguyên Tổng Giám đốc PVPower: Tập đoàn thúc ép ký hợp đồng 33

Luật sư Phạm Công Hùng (Ảnh: Hải Đăng)

Luật sư hỏi ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng giám đốc PVPower (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) về bản hợp đồng 33 của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Nguyên Tổng Giám đốc Vũ Huy Quang nhấn mạnh, PVPower sẵn sàng nhận dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từ PVN. Đối với PVPower, tuy còn non trẻ nhưng đội ngũ kỹ sư, công nhân đã có thời gian phục vụ đơn vị và hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện dự án.

Về việc soạn thảo hợp đồng 33 thiếu căn cứ, thủ tục, nguyên Tổng Giám đốc Vũ Huy Quang cho biết: “Tôi ký Hợp đồng 33 trong bối cảnh bị thúc ép tiến độ của tập đoàn, yêu cầu ký hợp đồng trước ngày 28/2/2011 và tập đoàn có 3 văn bản chỉ đạo yêu cầu PVPower ký hợp đồng”.

Tiếp tục trình bày trước HĐXX, ông Quang cho rằng bị thúc ép bằng văn bản cụ thể của tập đoàn do ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN ký vào ngày 10/2/2011 và 21/2/2011. Trong những văn bản đó yêu cầu hoàn tất hợp đồng và ký hợp đồng số 33. Văn bản của tập đoàn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và làm đúng quy định pháp luật.

Theo nguyên Tổng Giám đốc Vũ Huy Quang, trong hợp đồng 33, không có mục tiêu nào khác là chỉ để khởi công và trong hợp đồng ghi rất rõ hiệu lực hợp đồng. Đặc biệt, khi Hội đồng thành viên chưa phê duyệt chứng tỏ hợp đồng chưa đủ hiệu lực. Và vì hợp đồng này thiếu căn cứ nên hợp đồng không có giá trị pháp lý.

Nguyên Tổng Giám đốc PVPower: Tập đoàn thúc ép ký hợp đồng 33

Các luật sư bào chữa cho bị cáo tại tòa

Đặc biệt, trong phần trả lời những câu hỏi của luật sư, ông Quang cho biết trước khi ký đã báo cáo Tập đoàn bằng 3 văn bản, nêu các vấn đề khó khăn, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý phải mất 6 tháng. Ngoài ra, ông Quang cũng nêu rằng: “Nếu ký hợp đồng thì chỉ có thể ký được vào trung tuần tháng 6/2011, nhưng tập đoàn vẫn chỉ đạo ký trước 28/2/2011”.

Theo ông Quang, nhiều bị cáo nói không biết những thiếu sót của hợp đồng 33 là không đúng. Bởi khi Chủ tịch Đinh La Thăng mở cuộc họp tổng thể của Hội đồng thành viên, tại đó có PVC, PVPower và đầy đủ những người khác. “Tại cuộc họp này, ông Thăng yêu cầu báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong việc ký và thực hiện hợp đồng 33, chúng tôi đã báo cáo những thiếu sót và đề nghị tập đoàn chú ý. Nhờ có báo cáo của chúng tôi, ông Thăng mới yêu cầu rà soát để ký hợp đồng mới”, ông Vũ Huy Quang nói.

Trước đó, mở đầu phiên xét hỏi sáng nay, luật sư Đinh Anh Tuấn, người bảo vệ cho bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN đã đề nghị HĐXX mời bị cáo Đinh La Thăng lên hỏi về một số vấn đề như: Vì sao có nhiều văn bản chuyển cho Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh mà không chuyển cho Tổng Giám đốc Phùng Đình Thực?

Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng trả lời là căn cứ vào phân công của Tổng Giám đốc liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Nguyên Tổng Giám đốc PVPower: Tập đoàn thúc ép ký hợp đồng 33

Bị cáo Đinh La Thăng trong phiên tòa sáng 10/1 (Ảnh: Hải Đăng)

Bên cạnh đó, luật sư cho rằng trong phiên tòa chiều hôm qua (9/1), trong phần trả lời, bị cáo Đinh La Thăng có đưa ra nhận định về bị cáo Phùng Đình Thực, rằng bị cáo Thực đã thực hiện hết trách nhiệm của mình và đề nghị bị cáo cho biết, căn cứ vào đâu đưa ra nhận xét đó?

Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng khai: "Bị cáo có hơn 5 năm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, bị cáo đánh giá anh Thực là người có trách nhiệm, tận tâm, tâm huyết với công việc, rất quyết liệt. Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, anh Thực đã triển khai Nghị quyết của HĐTV chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo, có phân công trách nhiệm Phó Tổng giám đốc; Khi các Phó Tổng giám đốc, Ban chuyên môn có báo cáo công việc liên quan đến dự án NMNĐ Thái Bình 2 thì anh Thực đều có giải quyết kịp thời, theo đúng thẩm quyền".

Báo Công lý tiếp tục thông tin về diễn biến phiên tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Tổng Giám đốc PVPower: Tập đoàn thúc ép ký hợp đồng 33