Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng nhận trách nhiệm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường trên.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 30/6, nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung được công bố.
Cụ thể, buổi họp báo bắt đầu, rất đông các cơ quan báo chí có mặt, trong đó có cả báo chí quốc tế. Hai bên bàn chủ tọa đã chuẩn bị sẵn hai màn hình máy chiếu lớn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chủ trì cuộc họp. Bên cạnh đó, còn có sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Đặng Huy Đông.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết sau thời gian các nhà khoa học, Bộ ngành vào cuộc, đến nay đã có kết quả nguyên nhân gây ra vụ cá chết hàng loạt ở dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung.
Tại buổi họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các cơ quan đã xác định Công ty gang thép Formosa có xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, hydro ôxit sắt. Tham vấn quốc tế, các nhà khoa học kết luận trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp Formosa là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường.
Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung (ảnh Vietnamnet)
Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ TN-MT đã phối hợp với các Bộ, ngành khác và tỉnh thành khác, nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa The One và Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng nhận trách nhiệm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường trên và cam kết thực hiện 5 điểm:
- Xin lỗi người dân và Chính phủ Việt Nam vì gây ra sự cố.
- Cam kết bồi thường cho người dân và xử lý phục hồi 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.
- Khắc phục triệt để các tồn tại của hệ thống xử lý nước thải, công nghệ sản xuất để đảm bảo chất lượng xả thải theo yêu cầu của Hà Tĩnh và các cơ quan Trung ương, không để tái diễn tình trạng vừa qua.
- Xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung để tạo niềm tin với người dân và bạn bè quốc tế.
- Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm, nếu tái phạm sẽ chịu các chế tài của pháp luật Việt Nam.
"Thủ tướng yêu cầu Formosa Hà Tĩnh thực hiện dầy đủ các cam kết trên và công khai thông tin chất lượng môi trường", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin. Ông cho biết, Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai xử lý phục vụ môi trường bị ô nhiễm, tăng cường giữ gìn an ninh trật tự xã hội và không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân liên quan tới sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua.
Trả lời câu hỏi vì sao chậm công bố thông tin cá chết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Đây là sự cố xảy ra trên diện rộng, rất phức tạp và nghiêm trọng nên phải tiến hành khách quan, bài bản, chính xác. Trước yêu cầu chính đáng của người dân, với sức ép rất lớn, chúng tôi xác định phải tiến hành công việc này có tính toán đầy đủ để đảm bảo chứng cứ không chỉ xác định nguyên nhân vì sao mà còn xác định ai làm thủ phạm".
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến
Tại Hà Tĩnh, sau khi theo dõi kết quả công bố nguyên nhân cá chết, nhiều người dân cho hay kết quả này đã dự đoán được từ trước và "không hề bất ngờ". Chị Trần Thị Thoa, chủ tiệm buôn bán hải sản ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, nói rằng rất muốn Nhà nước hỗ trợ để khắc phục khó khăn trong thời gian hàng hóa ế ẩm, đồng thời muốn trả lại môi trường biển như trước kia.
Một số người khác thì cho rằng đã chờ đợi, theo dõi thông tin suốt hai tháng qua. Giờ đã xác định Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa, người dân cũng bớt đi phần nào hoang mang. Tuy nhiên cũng cần có cái nhìn tích cực, bởi nơi đây đang tạo ra công ăn việc làm cho con em địa phương. "Mong sao phía công ty này chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về môi trường để không tái diễn sự cố", một người dân nói.
Báo điện tử Infonet đặt câu hỏi: Có hay không việc che giấu thông tin về cá chết tại miền Trung?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: "Ngay sau khi sự cố xảy ra, báo chí đã thông tin rộng rãi về vụ việc. Tuy nhiên có một thời gian để đảm bảo cho quá trình điều tra, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan báo chí tạm ngừng các thông tin suy diễn, quy chụp để tránh tác động và gây trở ngại tới quá trình điều tra. Trong một vụ việc phức tạp như cá chết vừa rồi, điều tra của báo chí không thể thay thế được điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật và các nhà khoa học".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bổ sung: Nếu chúng tôi cung cấp thông tin hết, sẽ không còn “bảo bối” để đấu tranh với thủ phạm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tại buổi họp báo
Phóng viên hãng thông tấn AP đặt câu hỏi: Với vụ việc này các cơ quan pháp luật có khởi tố vụ án để điều tra không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng hoan nghênh ý kiến phóng viên hãng thông tấn AP. Theo Bộ trưởng, khi có thông tin sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có thái độ quyết liệt chỉ đạo để làm rõ nguyên nhân và tìm ra thủ phạm, trước hết là tập trung có giải pháp ổn định đời sống người dân ven biển.
“Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là Formosa Hà Tĩnh là thái độ rất cương quyết của Việt Nam. Thái độ của Việt Nam là xử lý nghiêm không loại trừ bất cứ cá nhân và tổ chức nào”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo hình ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và đang được các bạn bè quốc tế, nhà đầu tư đánh giá rất cao và khẳng định việc kinh doanh thành công của các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, Formosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi trước Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam và cam kết đưa ra hỗ trợ, bồi thường.
“Ở Việt Nam có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Chính phủ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam, có chính sách khoan hồng độ lượng để cho thấy nếu các nhà đầu tư nước ngoài có vi phạm nhưng nhận lỗi thì chúng tôi sẽ xem xét”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện theo đúng pháp luật VN thì VN sẽ đảm bảo các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả, nhưng nếu vi phạm pháp luật chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. “Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không là việc cân nhắc của Chính phủ Việt Nam”, ông Dũng nói.
Kết thúc buổi họp báo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng yêu cầu rà soát tất cả quy hoạch liên quan tới môi trường, các tiêu chuẩn liên quan tới môi trường các và các hoạt động khác. Với các cán bộ có liên quan trực tiếp tới công tác này, dù có ở cấp nào cũng phải xử lý theo đúng pháp luật.
Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên Huế ngày 15/4, Quảng Trị ngày 16/4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4/5. Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-7/4, tỉnh Quảng Bình ngày 14-15/4, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 16-17/4 và tỉnh Quảng Trị ngày 18-19/4. Từ ngày 24 đến 26/4, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 4/5 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình. Qua theo dõi của Tổ công tác hiện trường, từ ngày 4/5 đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa. |