Vỉa hè là nơi con người có thể đi lại, dừng chân nghỉ ngơi giữa nhịp thành phố hối hả. Thế nhưng, ở nhiều đô thị Việt Nam, vỉa hè đã bị bóp nghẹt bởi bàn ghế, hàng rong, xe máy và cả những ánh nhìn lạnh lùng đuổi khách đi bộ. Không gian vốn dành cho bước chân bỗng trở thành nơi giành giật của những chiếc ghế nhựa, quán hàng rong…
Tâm lý "chiếm hữu" không gian công cộng, đặc biệt là vỉa hè và lòng đường đang dần trở thành một vấn đề đáng lo ngại tại nhiều đô thị ở Việt Nam. Gần đây, vụ việc tại khu vực bến xe Mỹ Đình, nơi một người bán trà đá xô xát với cô gái chỉ vì cô đứng trên vỉa hè đã làm dấy lên nhiều tranh luận trong dư luận. Đây là một ví dụ rõ ràng cho thấy cách một số cá nhân xem vỉa hè như "lãnh thổ riêng", bất chấp pháp luật và quyền lợi của người khác.
Theo quy định tại Điều 77 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, vỉa hè là không gian dành riêng cho người đi bộ. Việc sử dụng vỉa hè cho mục đích khác như kinh doanh buôn bán chỉ được phép khi có sự cho phép từ cơ quan có thẩm quyền, và phải thực hiện đúng theo phương án được phê duyệt.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không ít hộ kinh doanh tự ý bày bán, đặt bàn ghế hoặc sử dụng vỉa hè, lòng đường để xe như thể đó là phần đất thuộc sở hữu cá nhân. Hành vi này không chỉ cản trở người đi bộ, gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tâm lý “vỉa hè trước nhà là của mình” là một quan niệm sai lệch, bởi vỉa hè và lòng đường là tài sản công, thuộc quyền quản lý của Nhà nước và phục vụ lợi ích chung. Việc tự ý chiếm dụng không gian này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn dễ dẫn đến mâu thuẫn xã hội như các vụ xô xát, tranh cãi giữa người kinh doanh và người đi đường thời gian qua.
Dẫu vậy, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là người bán hàng rong, có nhu cầu thực tế trong việc sử dụng không gian vỉa hè để mưu sinh. Vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận khách hàng khiến vỉa hè trở thành nơi “mưu sinh lý tưởng” đối với họ. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc họ có thể tùy tiện chiếm dụng hay gây phiền toái cho người khác. Một số trường hợp, như người dừng xe để nghe điện thoại hay đỗ đúng nơi được phép, nhưng vẫn bị đuổi hoặc mắng chửi, cho thấy sự thiếu tôn trọng nhau khi cùng sử dụng không gian chung.
Ở chiều ngược lại, người sử dụng phương tiện giao thông cũng cần ý thức hơn trong hành vi của mình. Việc dừng đỗ xe, dù trong khu vực được cho phép, nhưng nếu kéo dài hoặc chắn lối vào cửa hàng trong giờ cao điểm, cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân. Sự chia sẻ không gian công cộng cần được xây dựng trên tinh thần tôn trọng và hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Vụ việc tại bến xe Mỹ Đình, cơ quan chức năng đã xử phạt 2,5 triệu đồng đối với người bán trà đá vì hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, vi phạm trật tự công cộng.
Vỉa hè và lòng đường không thuộc về bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, mà là tài sản chung của xã hội. Việc lấn chiếm tùy tiện không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là nguyên nhân làm giảm chất lượng sống đô thị, gia tăng mâu thuẫn và gây mất đi nét văn minh mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng…