Nguyên chủ tịch Vodka Men bị tố ngụy tạo chứng cứ tố tụng

Nhóm PV| 07/03/2022 09:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như bài trước chúng tôi đã thông tin về việc ông Phạm Kinh Kha, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Hương Vang đệ đơn ra TAND quận Ba Đình (Hà Nội) đề nghị huỷ bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty này diễn ra ngày 30/11/2020.

Một trong những lý do mà ông Phạm Kinh Kha đệ đơn yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết đại hội này là ông Kha cho rằng mình là người nắm giữ 70% chứ không phải 43% cổ phần công ty Hương Vang như hồ sơ được quản lý tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở KH - ĐT Hà Nội.

Tuy nhiên, việc ông Phạm Kinh Kha đang từ sở hữu 43% cổ phần lên 70% cổ phần được các cổ đông cho rằng đã có sự nâng khống cổ phần và làm giả sổ cổ đông.

Sự thật về nâng khống cổ phần lên 70%

Được biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đang thụ lý điều tra đơn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của ông Phạm Kinh Kha – nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Hương Vang về việc chiếm giữ, chiếm đoạt trái phép con dấu, tài sản của cổ đông và Công ty Hương Vang.

Cụ thể, ông Lê Văn Chương, đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 52% - người có đơn tố cáo cho biết: Ông Phạm Kinh Kha nắm giữ 43% cổ phần trong Công ty cổ phần Hương Vang nhưng lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Hương Vang, tự ý lập sổ đăng ký cổ đông giả, nâng khống tổng số cổ phần của mình lên 70% vào ngày 9/9/2018.

Tiếp đó, theo ông Chương, “ngày 5/6/2019, ông Kha và em trai của mình là ông Phạm Trường Thọ (nắm giữ 5% cổ phần công ty Hương Vang) đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, trong đó biên bản đại hội có nhiều nội dung giả mạo, sai sự thật, sai bản chất vấn đề. Ông Kha đã sử dụng những hồ sơ, tài liệu giả mạo nội dung nói trên nộp cho Tòa án, Sở KH - ĐT Hà Nội… làm sai lệch hồ sơ tố tụng, gây bất lợi cho các các cổ đông khác; che giấu sự thật với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp”.

Theo tài liệu chúng tôi có được, năm 2015, bà Vũ Thị Tú và bà Tạ Hương Lan là 2 cổ đông nắm giữ 27% của công ty muốn thoái vốn nên đã đăng ký bán lại cổ phần của mình tại Hương Vang. Bà H.T.H.G đã đăng ký mua và được chấp thuận. Sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng, cổ phần của bà H.T.T.G tại Hương Vang nâng từ 5% lên 32%.

Đáng chú ý việc chuyển nhượng cổ phần đã được thông qua và thống nhất trong 2 cuộc họp Đại hội cổ đông với 100% số cổ đông tham dự họp bao gồm cả ông Kha và em trai là ông PTT. Các nghị quyết, biên bản họp đều được toàn bộ các cổ đông ký xác nhận. Ông Phạm Kinh Kha khi đó với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật đã ký tên, đóng dấu trên toàn bộ hồ sơ Công ty nộp lên Phòng ĐKKD Sở KH - ĐT Hà Nội để thay đổi đăng ký kinh doanh. Các hồ sơ này được chấp thuận cấp thay đổi lần cuối là tháng 10/2015 và từ đó đến nay chưa có bất cứ sự thay đổi cổ phần nào tại Công ty Hương Vang.

Mặc dù đã ký xác nhận như trên, nhưng ngày 9/9/2018 cũng chính ông Kha lại tự lập sổ cổ đông mới, nâng cổ phần của mình từ 43% lên 70%. Tiếp đến, ngày 5/6/2019, ông Kha lấy tư cách là Chủ tịch HĐQT và cổ đông chiếm 70% cùng với 5% cổ phần của em ruột ông Kha, tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường Công ty Hương Vang. Biên bản Đại hội cổ đông này ghi: “Công ty Hương Vang dùng tiền cổ tức của ông Kha để thanh toán tiền chuyển nhượng 27% cổ phần cho 2 cổ đông Vũ Thị Tú và Tạ Hương Lan…”, (dù số cổ phần này đã được chuyển nhượng cho bà HTTG trước đó).

Sau đó, cả ông Kha và em ruột là ông PTT đã "tự" biểu quyết thông qua việc: "Công ty Hương Vang ghi nhận tổng số cổ phần phổ thông của Công ty Hương Vang do ông Phạm Kinh Kha sở hữu là 700.000 cổ phần tương đương 70% tổng số cổ phần của ty”.

Đến nay, ông Kha cũng chưa có tài liệu chứng minh việc Công ty Hương Vang dùng tiền cổ tức của ông để thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần.

Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ

Theo điều tra của chúng tôi, năm 2015, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH - ĐT Hà Nội) đã 2 lần tiếp nhận hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh do có biến động về cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần của Công ty CP Hương Vang và đã cấp thay đổi ĐKKD lần thứ 5 và thứ 6 theo đúng quy định của pháp luật. Kể từ đó, trên hệ thống đăng ký của Phòng này, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông vẫn là: ông Kha 43%; ông PTT 5%; bà HTTG 32%; bà NTTH 10% và ông Lê Văn Chương 10%. Đến nay cũng chưa có bất kỳ sự thay đổi nào.

truong-thanh-duc-1633.jpg
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC nhận định: Trong Công ty cổ phần, cổ đông có vai trò quyết định cao nhất dựa trên tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần. Với số liệu sai trái cơ bản về sở hữu vốn xuất trình trước Tòa án và các cơ quan chức năng khác của ông Kha, có thể sẽ gây ra việc nhận định sai về vụ việc và xử lý sai về kết quả.

Nhóm cổ đông từ chỗ sở hữu thiểu số, không có vai trò quyết định trong công ty, nhưng khi nhận là nhóm cổ đông chiếm tới 75%, thì đủ điều kiện để quyết định mọi vấn đề của công ty, từ việc bình thường cho đến việc hệ trọng nhất như thay đổi hoàn toàn Điều lệ hay thậm chí giải thể công ty. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng như 2020 và Điều lệ của Công ty Cổ phần Hương Vang thì nhóm cổ đông sở hữu 75% (thậm chỉ chỉ cần 65%) số cổ phần sẽ có quyền biểu quyết là đã tự mình quyết định được mọi vấn đề mà không cần phải có sự đồng ý của các cổ đông còn lại.

Như vậy, sẽ rất bất lợi cho các cổ đông nếu việc nâng khống cổ phần đó không được xem xét kỹ lưỡng.

Còn Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty luật hợp danh Thiên Thanh cho hay: Hồ sơ, tài liệu lưu nộp tại TAND quận Ba Đình, Hà Nội cho thấy, trong tất cả các công văn, đơn, tài liệu gửi cho Toà và các cơ quan quản lý nhà nước khác, ông Phạm Kinh Kha đều khẳng định ông sở hữu 70% cổ phần Hương Vang. Trong đơn gửi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội và trước đây, khi làm việc với cơ quan công an, ông Kha cũng khẳng định mình nắm giữ 70% cổ phần…. Tuy nhiên, ngoài sổ cổ đông được làm giả thì ông Kha đã không đưa ra được bất kỳ giấy tờ tài liệu nào chứng minh việc biến đổi cổ phần (do công ty tăng vốn hay do nhận chuyển nhượng từ các cổ đông khác).

lsnguyenthetruyen-ok.jpg
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty luật hợp danh Thiên Thanh.

Theo Luật sư Truyền, việc ông Kha sử dụng những hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu giả mạo nội dung để nộp cho các cơ quan tư pháp và cơ quan quản lý nhà nước nhằm làm thay đổi hoàn toàn bản chất sự việc và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật của mình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông khác. Hành vi này là có dấu hiệu cố ý làm sai lệch hồ sơ tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cơ quan tư pháp. Sổ cổ đông ngày 9/9/2018 và biên bản đại hội cổ đông với nhiều nội dung sai lệch và giả mạo đều do ông Kha ký tên, đóng dấu với tư cách người đại diện pháp luật Công ty Hương Vang.

Vì vậy, theo LS Truyền, Tòa án, ngoài việc không chấp nhận chứng cứ đề nghị hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 30/11/2020, cần chuyển vụ việc làm giả sổ cổ đông, nâng khống cổ phần sang CQĐT để điều tra làm rõ.      

Tháng 6/2021 vừa qua, Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KHĐT Hà Nội đã cấp giấy CNĐKKD lần 9 cho Công ty Hương Vang, trong đó chính thức công nhận bà H.T.H.G là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Hương Vang. Từ đây, ông Kha không còn là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Hương Vang nữa.

Sau đó, bà H.T.H.G đã 3 lần gửi công văn đề nghị ông Kha bàn giao con dấu, hồ sơ, tài sản của Công ty Hương Vang nhưng đến thời điểm này ông Kha vẫn không bàn giao.

Việc ông Phạm Kinh Kha chiếm giữ con dấu của Công ty Hương Vang đã gây khó khăn, trở ngại cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nghĩa thuế với Nhà nước. Ngoài ra, các cổ đông và người lao động của công ty cũng vô cùng lo lắng ông Phạm Kinh Kha có thể lợi dụng việc này để ký kết các hợp đồng khống, hoặc tẩu tán tài sản của Công ty… gây thiệt hại cho các cổ đông và người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên chủ tịch Vodka Men bị tố ngụy tạo chứng cứ tố tụng