Tòa tuyên án

Nguyên Chủ tịch Vimedimex mong HĐXX, VKS xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án

Mạnh Hùng 18/04/2024 - 15:18

Sau phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện VKS với bị cáo Nguyễn Thị Loan (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) và 10 bị cáo trong vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh (Hà Nội), bị cáo Loan cùng các luật sư đã nêu quan điểm bào chữa trước HĐXX.

45d67c08-4b37-4007-b25f-3598522dbf0a.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Theo đó, khi được HĐXX cho phép tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Thị Loan tiếp tục cho rằng cấp dưới của mình tại tập đoàn có nhiều lời khai không đúng. Bị cáo nói cơ quan tố tụng không đưa ra được chứng cứ trực tiếp nào mà chỉ căn cứ vào lời khai của một số bị cáo để quy kết mình là người chỉ đạo 3 công ty tham gia đấu giá, thông đồng bỏ giá để dìm giá khu đất đấu giá.

"Đề nghị HĐXX, VKS xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án, để có kết luận đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm", bị cáo Loan nói.

Ở phần xét hỏi trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Loan kêu oan, cho rằng hồ sơ vụ án có đến "20 bút lục là giả". Bị cáo nhiều lần khẳng định chỉ sở hữu 20% cổ phần tại 3 công ty Bắc Từ Liêm, Mỹ Đình và Thanh Trì, vì thế đây không phải là các công ty của riêng bị cáo, bị cáo không chỉ đạo các công ty này tham gia đấu giá, trả giá và thông đồng để dìm giá đất. Bị cáo Loan còn tố nội bộ tập đoàn có "thông đồng", lập khống các phiếu thu, phiếu chi… nhằm buộc trách nhiệm sai phạm đối với mình.

Tham gia bào chữa, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan đề nghị tòa trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vì vụ án còn nhiều "điểm mờ".

Theo luật sư, bị cáo Loan là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex chứ không phải là người đại diện theo pháp luật 3 công ty nêu trên, không phải là người ủy quyền cho 3 người đại diện của 3 công ty để tham gia đấu giá.

Ba công ty này cũng không phải là công ty thành viên, không có phần vốn góp, là các pháp nhân độc lập với Tập đoàn Vimedimex. Bị cáo Loan tuy có tham gia góp vốn 20% nhưng không thuộc trường hợp nhóm công ty, cá nhân có quyền quyết định hoạt động kinh doanh của các công ty.

Cạnh đó, các Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn đã được ủy quyền hoàn toàn chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành từng công ty tham gia đấu giá (bỏ giá, ký kết các văn bản…) và chịu trách nhiệm trước chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, trước pháp luật về các nội dung được phân công, ủy quyền.

Vì thế, cáo buộc bị cáo Loan sử dụng 3 công ty để tham gia đấu giá, bỏ giá theo kịch bản từ trước nhằm dìm giá đất là không có cơ sở.

Cũng theo luật sư, cơ quan tố tụng căn cứ vào một số bút lục để quy kết bị cáo Nguyễn Thị Loan chỉ đạo 3 công ty đồng loạt bỏ giá bằng nhau rồi bốc thăm để Công ty Bắc Từ Liêm trúng đấu giá, nhưng trong số này có bút lục "có dấu hiệu bị sửa".

Luật sư cũng cho rằng cách trả giá của 3 công ty vẫn đảm bảo phương thức trả giá lên, không vi phạm quy chế đấu giá. Đến nay chưa có tài liệu nào chứng minh 3 công ty này có quan hệ "móc ngoặc" với đơn vị tổ chức đấu giá, tư vấn thẩm định, UBND huyện Đông Anh hay Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Hà Nội.

Sai phạm trong việc xác định giá khởi điểm của khu đất thuộc về đơn vị tư vấn thẩm định giá và người có tài sản bán đấu giá, chứ không phải do bên tham gia đấu giá là Công ty Bắc Từ Liêm, hoặc tác động từ cá nhân bị cáo Nguyễn Thị Loan.

Tiếp tục bào chữa, luật sư nêu quan điểm có nhiều vấn đề trong việc xác định thiệt hại vụ án. Cơ quan tố tụng lấy mốc thời gian là tháng 10/2020 (thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá) để kết luận thiệt hại, nhưng thực tế tháng 11/2020 mới diễn ra đấu giá.

Như vậy, nếu tính thiệt hại từ thời điểm tháng 10/2020 thì trách nhiệm phải thuộc về nhóm tư vấn thẩm định giá và cán bộ thuộc UBDN huyện Đông Anh. Các công ty có quyền tham gia đấu giá, không có trách nhiệm phải biết giá khởi điểm đã đúng giá trị thực tế hay chưa, chỉ tham gia trả giá dựa theo kế hoạch kinh doanh của công ty đó. Cơ quan tố tụng không thể chỉ căn cứ vào việc các công ty bỏ giá bằng nhau mà kết luận rằng có sự chỉ đạo, thông đồng, dàn xếp từ trước

Từ những căn cứ đã nêu, luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề, trong đó thực hiện định giá lại tài sản để làm căn cứ xác định chính xác thiệt hại của vụ án, đồng thời chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra VKSNDTC để xác định có hay không việc vi phạm tố tụng.

Trong phần luận tội và đề nghị mức án trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Loan bị đề nghị phạt từ 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Các bị cáo còn lại được đại diện VKS đề nghị các mức án tù nhưng cho hưởng án treo gồm: Nguyễn Quang Hưng (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex), Tạ Thị Vân (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Bắc Từ Liêm) cùng bị đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù; Nguyễn Xuân Đức (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Mỹ Đình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex 2), Nguyễn Thị Diệu Linh (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội - viết tắt là Công ty VVAI), Trần Công Tuyên (Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội) chung mức 18 -2 4 tháng tù; Nguyễn Ngọc Thắng (Phó Tổng Giám đốc Công ty VVAI), Nguyễn Đức Phương (Thẩm định viên Công ty VVAI), Vương Thị Thu Thủy (chuyên viên Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh) đều có mức đề nghị từ 9 - 12 tháng tù treo về cùng tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản".

Hai bị cáo còn lại là: Bùi Thanh Huyền (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) bị đề nghị từ 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Thị Cẩm Lê (cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) từ 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về cùng tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Chủ tịch Vimedimex mong HĐXX, VKS xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án