Hình tượng ba chú khỉ “tam không” được xuất hiện rất nhiều ở các quốc gia Châu Á. Nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc cũng như ý nghĩa sâu xa mà người xưa muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau qua 3 bức tượng tưởng chừng như vô tri đó.
Thoạt đầu khi mới nhìn qua bức tượng này chúng ta sẽ thấy, 1 chú thì dùng tay che hai mắt, chú thì dùng tay bịt hai tai và chú thì dùng tay bịt miệng lại. Với hình tượng ba chú khỉ này có không ít người suy ra rằng: Đó là: “không nói, không nghe, không thấy”, hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì đang xảy ra xung quanh.
Nhưng nếu hiểu như vậy thì thiếu chính xác và chưa đầy đủ. Vì nếu đứng giữa cuộc đời đầy những điều thị phi mà cứ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng như thế, thì thử hỏi cuộc sống này có còn gì là thi vị nữa không?
Thực ra, nguồn gốc xuất xứ của vật phẩm phong thủy này bắt nguồn từ Ấn độ từ vài ngàn năm trước. Lúc đầu, đó là bức tượng về một vị thần – Thần Vajrakilaya, là vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng, nhằm để răn dạy con người: Không nhìn bậy, không nghe bậy và không nói bậy.
Con che mắt tên là Mizaru nghĩa là “tôi không nhìn thấy điều xấu”; Con bịt miệng là Iwazaru nghĩa là “tôi không nói điều xấu”; Con bịt tai là Kikazaru – “tôi không nghe những điều xấu”
Và ẩn ý che dấu đằng sau ba chữ “không” kia mà người xưa muốn truyền lại cho con cháu còn có rất nhiều ý nghĩa sâu xa khác.
Đó là, bức tượng cũng mang đậm tư tưởng của Đức Khổng Tử trong Luận Ngữ. Khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: “Phi lễ vật thi, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là “Không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”.
Không những thế, hình ảnh Bộ khỉ tam không còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của “Tâm viên ý mã” trong phép thiền. Chúng ta phải biết kiểm soát cái tâm vọng động, chẳng khác gì con khỉ chạy lăng xăng. “Tâm viên” là vượn tâm, là tâm tán loạn như vượn khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành này sang cành cây khác, lại hay phá phách, bắt chước nên người đời có câu “liếng khỉ”.
Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói
Tâm người ta cũng thế, không khi nào được yên, cứ suy nghĩ, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đó là “tâm viên”. Tâm này sẽ đưa con nguời đến loạn động, phát sinh ra đủ thứ phiền não. Bởi vậy tâm chúng sinh bị vô minh che lấp nên phần nhiều hướng ác nhiều hơn thiện.
Sau này, tư tưởng “ba không” đó theo các nhà tu Phật giáo đi qua Trung Quốc không rõ vào thời kì nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ 9 (có tài liệu ghi năm 838), một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm phật sự ở Trung Quốc đã mang theo về Nhật tư tưởng này.
Tại Nhật, bức tượng còn có thâm ý sâu xa hơn nhiều khi họ muốn: “Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những điều thiện.
Trong xã hội hiện nay bức tượng ba con khỉ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bởi tôi thấy mỗi người đều đang tự làm khổ chính mình. Khổ vì nghe chuyện thiên hạ, khổ vì nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi người khác.
Bản chất của con người vốn là sự tò mò nên bất cứ câu chuyện nào, về bất cứ ai dù không liên quan thì cũng cố gắng nghe hết để có chuyện kể lại cho người khác. Chúng ta luôn cố tìm ra khuyết điểm của người khác để chờ có dịp có thể nói lại họ để giành phần thắng cho mình. Nhưng rồi lại tự thấy việc ghét bỏ và để ý người khác thật mất thời gian và tự khiến bản thân mình trở nên xấu xí. Xấu ở đây là ở cái tâm, không chịu nghĩ điều tốt đẹp cho người mà chỉ nhìn thấy những thói hư, tật xấu ở những người xung quanh.
Bởi vậy, nếu biết tu sửa thân tâm, nhìn lỗi của người khác như lời nhắc nhở để ta không phạm phải những sai lầm đó. Từng bước, từng bước như vậy chúng ta sẽ dần hoàn thiện được con người của mình.
Hình ảnh Bộ khỉ tam không ngộ nghĩnh tưởng như đơn giản mà lại mang những giáo lý vô cùng sâu sắc của thế hệ trước muốn truyền đạt lại cho thế hệ mai sau.