Người thương binh “bắt rác” sinh lời

01/09/2012 08:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thương binh hạng 2/4 Trần Mạnh Du là Giám đốc Công ty vệ sinh môi trường huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng ông tại nhà riêng của ông ở thị trấn Lương Sơn, để nghe ông kể về kỳ tích từ... rác.

Sinh ra tại một miền quê chiêm trũng của tỉnh Nam Định, lớn lên trên mảnh đất Hoà Bình và cũng chính ở nơi này ông gia nhập vào đoàn quân Nam tiến. 18 tuổi đã biết thế nào là xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mấy năm liền gắn bó với Tây Nguyên và chiến trường miền Đông, hai lần đối mặt với cái chết.

Trở về với hai bàn tay trắng và niềm tự hào của một người lính đã cống hiến hết mình cho đất nước, người thương binh 2/4 Trần Mạnh Du lại bắt đầu với cuộc sống đời thường. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, niềm vui của những ngày sum họp chưa trọn vẹn thì người vợ trẻ của ông đột ngột qua đời. Ông kể: “Trong tay không vợ và đàn con thơ dại, chú bảo biết làm gì để sống? Thế là ngoài giờ đi làm ở Uỷ ban, bố con với một chiếc xe thồ lại lang thang khắp phố, khắp chợ để tìm việc, ai thuê gì thì làm đấy. Những buổi chiều không có việc, mấy bố con lại thồ những xe rác ở chợ Lương Sơn đi đổ, thấy mấy bố con chăm chỉ, người ta thương mới bắt đầu hùn tiền trả công. Từ đó, mấy bố con nhận luôn làm vệ sinh cho chợ Lương Sơn. Cứ túc tắc mãi thế mà rồi cũng qua những đận gian nan”. Cũng chính nhờ chắt chiu từng đồng tiền công từ những chuyến xe thồ,  bố con ông đã mua được một chiếc công nông đầu ngang để chở rác và có lẽ ý tưởng một ngày kia sẽ biến rác thải sinh lời của ông ấp ủ từ những ngày ấy. 

 

Người thương binh “bắt rác” sinh lời

Thương binh Trần Mạnh Du đang giám sát công nhân dọn rác

 

“Lúc đầu cũng khó khăn cực nhọc lắm nhưng rồi khi mấy đứa nhỏ bắt đầu lớn và biết phụ bố thì công việc dần ổn. Rồi cũng thuê được một hai người làm, những người xa cơ lỡ vận họ đến với mình. Những ngày đầu chẳng có lương trả cho họ đâu nhưng họ cũng quyết gắn bó với mấy bố con nên công việc cứ thế trôi chảy, bàn tay và đôi quang gánh, họ cùng làm với mình rồi về nhà ăn bữa cơm đạm bạc với mấy bố con”. 

 

Đến nay, tổ hợp vệ sinh của ba bố con đã lớn mạnh, trở thành một công ty chuyên về vệ sinh môi trường với gần 30 chục công nhân có mức thu nhập ổn định từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Công nhân của ông cũng được đóng bảo hiểm, có chế độ nghỉ ngày lễ, Tết. Và điều đặc biệt, trong công ty vừa mới thành lập của ông đã có một tổ chức công đoàn ra đời để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Công việc thu gom rác, vệ sinh cho cả thị trấn nặng nhọc, ông đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để mua xe gom rác và hai chiếc xe tải chuyên chở rác; chủ động xin đất đầu tư xây dựng bãi đổ rác hợp lý và hợp vệ sinh. Nhưng,  ông vẫn không thôi mơ ước một ngày kia sẽ bắt những núi rác thải phải sinh lời. Và cho đến hôm nay, dù đã ở cái tuổi ngoài lục tuần, ông vẫn hăm hở thực hiện mơ ước của mình. Đó là một dự án xây dựng nhà máy ép rác thải thành phân vi sinh với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. 

 

Không “bật mí” nhiều về cái dự án mà ông đang thực hiện nhưng “quyết tâm để xây dựng dự án như một sự tri ân với quê hương Hoà Bình” là những tâm sự rất thật của ông. Nhìn cách thức ông pha trà mời khách, lắng nghe những câu nói dứt khoát khi bàn về dự án với những người bạn của mình, chúng tôi hy vọng, tâm huyết của người thương binh già Trần Mạnh Du sớm trở thành hiện thực.

 

Tùng Lâm

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thương binh “bắt rác” sinh lời