Để gìn giữ hát văn hoá then đàn tính của người dân tộc Nùng, Tày, thầy Phùng Văn Thời thành lập CLB và truyền dạy cho học sinh đánh đàn tính, hát then.
Tích cực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Từ nhỏ, thầy Phùng Văn Thời – Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Văn Quan (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đã được nghe bà, mẹ hát then, đàn tính.
“Những điệu hát Then là cách để người Tày, Nùng kể lại về cuộc sống, văn hoá nơi đây và trong các lễ hội hát Then, đàn tính là món ăn tinh thần không thể thiếu lúc đó”, thầy Thời chia sẻ.
Thế nhưng, cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều thể loại âm nhạc du nhập, học sinh hiện nay chủ yếu sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp với nhau vì vậy ngôn ngữ, tiếng dân tộc và các làn điệu then cũng theo đó mà mất chỗ đứng trong giới trẻ. Trăn trở trước nguy cơ đó, 6/2021, thầy Thời đã quyết định thành lập câu lạc bộ hát then, đàn tính trong trường học.
Thầy Thời cùng các em trong câu lạc bộ
Ngày đầu mới thành lập, câu lạc bộ chỉ có 16 thành viên tham gia. Để có đàn cho học sinh tập, thầy Thời đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các cơ quan đoàn thể trong huyện.
“Rất may, tôi viết thư ngỏ và gửi đi được ủng hộ, theo đó thầy trò chúng tôi được tặng 60 cây đàn để học”, thầy Thời kể.
Không quy định một tuần sinh hoạt bao nhiêu buổi, có thời gian rảnh, thầy Thời và các thành viên trong câu lạc bộ lại cùng nhau học học đàn, tập hát.
“Lúc này, khoảng cách thầy trò đã không còn, thay vào đó chúng tôi như những người bạn cùng nhau đam mê hát then, đàn tính. Với phương châm sinh hoạt, người biết nhiều bày cho người biết ít, người biết ít bày cho người chưa biết gì đến tháng 9/2021 câu lạc bộ đã thu hút 200 thành viên”, thầy Thời cho biết.
Thầy cũng cho biết thêm, ngày quyết định đưa hát then, đàn tính vào trường học tôi lo rằng các em sẽ không hào hứng. Tuy nhiên ngược lại suy nghĩ đó, sau gần 3 năm hoạt động, học sinh đã tự tin biểu diễn. Ngoài những tiết mục biểu diễn tại các hội thi văn nghệ của trường, ngày khai giảng…. Trong các sự kiện quan trọng của huyện, câu lạc bộ hát then, đàn của trường cũng được mời đến biểu diễn.
“Mỗi lần được đi biểu diễn, học sinh hào húng vô cùng qua đó giáo dục cho các em biết gìn giữ, bảo vệ nét đẹp văn hoá của dân tộc mình”, thầy Thời phấn khơỉ chia
Hoạt động lành mạnh dành cho học sinh nội trú
Thầy Thời tâm sự, học sinh nội trú phải sống xa gia đình, hàng ngày gắn bó với thư viện, ký túc xá, lớp học ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Cùng vì thế, tiếng mẹ đẻ dần không được các em sử dụng nhiều.
“Vì vậy câu lạc bộ hát then đàn tính chính là cách để chúng tôi dạy các em gìn giữ những nét đẹp, bản sắc văn hoá riêng của người dân tộc Tày, Nùng”, thầy Thời nói và chia sẻ thêm, hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là đã chú trọng vào môn giáo dục địa phương. Môn học này các địa phương sẽ được lựa chọn những chủ đề dạy sao cho phù hợp.
Các học sinh cùng thầy tập luyện
Đối với nhiều trường học ở huyện Văn Quan đã đưa hát then, đàn tính vào môn giáo dục địa phương để giảng dạy đó là thuận lợi rất lớn để bảo tồn những văn hoá truyền thống, nhưng nét đẹp đắc trưng của mỗi vùng miền’.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thu Hà – giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường PTDTNT THCS& THPT huuyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn: “Câu lạc bộ hát then, đàn tính sẽ là sân chơi để học sinh có thêm nơi sinh hoạt sau những giờ học mệt mỏi, căng thẳng.
Tôi rất ấn tượng bởi hình ảnh mỗi buổi chiều hay cuối tuần học nhiều nhóm học sinh lại mang đàn ra sân trường để cùng nhau tập và hát. Các em cùng bày cho nhau thậm chí còn tự tìm hiểu các điệu then để tập. Cũng vì thế, sau một thời gian ngắn thành lập, câu lạc bộ đã thu hút rất nhiều học sinh tham gia và nhiều tiết mục không chỉ biểu diễn trong trường mà tại một số sự kiện lớn của huyện các em đã được tham gia biểu diễn để quảng bá”.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Lạng Sơn hiện có trên 60 câu lạc bộ và nhóm người hát then, đàn tính với khoảng 1.500 thành viên tham gia.
Các CLB hát then, đàn tính được thành lập với vai trò của Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh đã góp phần đưa hát Then, đàn tính phát triển sâu rộng trong cộng đồng và trở thành một phần quan trọng trong di sản “Thực hành Then” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 2019).