Sau khi đặt túi độn mông để tăng kích thước, người phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng một mảng da bị rách rộng, sưng đỏ, đau đớn, không thể ngồi.
Tự ti vì có "vòng 3" khiêm tốn, chị H. đã tìm đến một cơ sở để đặt túi độn. Tại đây, chị được làm đẹp bằng kỹ thuật nội soi, túi độn được đưa vào hai bên mông qua khe mổ. Tuy nhiên, sau vài tháng, vết mổ của chị H. không liền mà ngày càng rách rộng, sưng viêm, chảy máu.
Suốt thời gian qua, người phụ nữ này phải nằm sấp, chịu đau với mong muốn vết thương chóng liền nhưng tình trạng không cải thiện. Sau đó chị tìm đến chuyên gia thẩm mỹ kiểm tra.
Nhận định về trường hợp này, Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải - Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) cho biết, sau khi đặt túi độn mông, bệnh nhân bị chậm liền vết mổ lâu ngày dẫn đến toác rộng, hở cả một mảng lớn ở mông.
Với trường hợp này, bác sĩ xử lý bằng cách ghép da để giúp da liền lại trong khi vẫn giữ được túi độn mông. Sau 6 tháng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật chuyển vạt nếu sẹo xấu (cắt ổ sẹo xấu, chuyển vạt hai bên để khâu lại).
Về kỹ thuật nâng mông bằng túi độn, chuyên gia này cho biết đây là giải pháp giúp cải thiện kích thước, hình dạng vòng ba, bên cạnh cấy mỡ tự thân, tiêm filler... Tuy nhiên, hầu hết phương pháp đều có biến chứng nếu thực hiện sai cách.
Ví dụ, khi nâng mông bằng túi độn, đường mổ nằm phía sau vùng xương cùng cụt nên khi phẫu thuật khiến vết mổ chậm liền, thậm chí gây biến chứng như phải tháo túi mông, hoặc phẫu thuật che phủ. Một số biến chứng khác bao gồm lệch, lộn túi, đặt không đúng vị trí gây tụ máu. Một số trường hợp đặt túi quá thấp chèn dây thần kinh hông, làm tê bì đau tức chân.
Do đó, bác sĩ Hải khuyến cáo nâng mông bằng túi độn là trường hợp đại phẫu, quy trình phức tạp đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật có tay nghề, công nghệ hỗ trợ. Phương pháp này cần được thực hiện tại bệnh viện thẩm mỹ đã được Bộ Y tế cấp phép.