Sức Khỏe

Cảnh báo biến chứng nguy hiểm khi xăm môi

Chí Tâm 13/09/2023 - 07:05

Xăm môi giúp cải thiện tình trạng môi thâm, nhợt nhạt, rút ngắn thời gian trang điểm, là phương pháp làm đẹp được nhiều chị em ưa chuộng. Tuy nhiên không ít trường hợp gặp phải tình trạng "lợn lành thành lợn què” do biến chứng.

Phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận người bệnh N.T.S. (SN 1961, trú tại Yên Lập, Phú Thọ) bị viêm da nhiễm trùng do xăm môi.

Người bệnh cho biết, sau khi xăm môi 5 ngày thì trên môi xuất hiện mụn nước, tiết dịch, căng, rát bỏng. Người bệnh tự mua thuốc về bôi, dù đã đổi nhiều loại thuốc khác nhau nhưng vẫn không đỡ.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm da nhiễm trùng do xăm môi, được kê đơn thuốc về điều trị tại nhà và tái khám theo chỉ định.

bienchung.jpeg
Một trường hợp biến chứng sau xăm môi

Tương tự, N.T.H. (25 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng môi sưng, đóng mài dày, rỉ dịch đau rát.

Chị H. cho biết, trước đó 4 ngày chị đi xăm môi tại một thẩm mỹ viện. Sau xăm 1 ngày, môi sưng to sau đó rỉ dịch đục, đau rát. Chị H. có quay lại cơ sở thẩm mỹ và được nhân viên ở đây đưa 1 tuýp thuốc bôi kháng siêu vi. Tuy nhiên, khi bôi lên thì môi càng sưng kèm đóng mài dày và rỉ mủ. Chị H. đã đến Bệnh viện Da liễu TP nhờ bác sĩ can thiệp.

Trước đó vài ngày, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận hai bệnh nhân bị tai biến do xăm môi. Một bệnh nhân sau xăm vùng môi bị đóng mài dày, đau rát và trường hợp khác đóng mài nhẹ nhưng vùng môi bị ngứa và có tình trạng sạm da nhiều quanh môi.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân P.N.T. (15 tuổi) đến viện trong tình trạng môi sưng to, xuất hiện nhiều nốt mụn bị vỡ, chảy dịch và máu. Người nhà kể lại, khoảng 5 ngày trước, T. theo chị đến xăm môi tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận Hoàng Mai. Sau 2 ngày, môi T. có hiện tượng ngứa, sưng, đau nhức và lên nhiều mụn mủ.

Tình trạng ngày càng nặng hơn khi nốt mụn vỡ ra, chảy dịch vàng và máu, đóng thành vảy ở vùng môi khiến cô bé không ăn, không ngủ được. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng mực xăm, nhiễm Herpes, bội nhiễm do xăm môi.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, xăm môi, phun môi là hai phương pháp đưa mực xăm vào trong lớp da hoặc niêm mạc, tùy theo độ nông sâu mà có thể gọi là xăm hay phun khác nhau. Phun môi là kỹ thuật sử dụng máy phun xăm có gắn đầu mũi kim siêu nhỏ, bên trong có gắn bầu mực tác động vào môi với độ sâu không quá 0,2 mm, đưa mực xăm vào lớp biểu bì của da, thời gian nghỉ dưỡng ít, môi ít sưng nề, tuy nhiên độ bền màu kém.

Xăm môi là kỹ thuật dùng kim đâm xuyên qua lớp sừng, sau đó thoa đều mực xăm lên hoặc lấy mũi kim nhúng vào mực trước rồi thoa lên da đưa mực xăm vào lớp sâu của da, có thể qua lớp đáy xuống trung bì. Với độ sâu tác động lên môi, kỹ thuật xăm môi giúp bền màu hơn, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về các biến chứng, thường gây tổn thương lớp niêm mạc nhiều nên khi xăm có thể gây chảy máu. Sau xăm, môi sưng nề to và có thể gây nhiễm trùng.

Vấn đề thường gặp nhất là nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ hoặc xăm hỏng, lệch, gây sẹo vĩnh viễn… Nguy cơ thứ hai cũng khá thường gặp là chất lượng mực xăm không rõ nguồn gốc có thể gây viêm da tiếp xúc, đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm.

Quá trình phun xăm, nếu không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, không thay kim trong quá trình phun xăm, có thể lây truyền các bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B,C,… nhất là khi thực hiện tại các cơ sở nhỏ, không đủ điều kiện tiệt trùng. Biến chứng nặng nhất khi phun xăm là sốc thuốc tiêm, phản ứng với thuốc tê,… Nguyên nhân thường do quá trình ủ tê mất nhiều thời gian, nhiều cơ sở đã tiêm thuốc tê để tiến hành nhanh hơn.

Để tránh những biến chứng khi xăm môi, cần lưu ý:

- Lựa chọn những cơ sở uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, có đội ngũ chuyên gia/ bác sĩ tay nghề cao, được cấp chứng chỉ hành nghề đầy đủ.

- Nơi tiến hành các hoạt động phun, xăm cần đảm bảo an toàn và tiệt trùng dụng cụ.

- Lựa chọn mực xăm chuyên dụng trong lĩnh vực làm đẹp. Không nên chọn mực giá rẻ, mực chứa oxit sắt, thủy ngân, chì vượt quá mức cho phép vì có thể ảnh hưởng đến phổi, gan và hệ miễn dịch, thậm chí là ung thư.

- Không xăm môi nếu có nguy cơ dị ứng với thành phần có trong mực xăm.

- Sau khi xăm nên tránh ánh sáng trực tiếp, giữ vệ sinh tại chỗ sạch sẽ. Khi ra ngoài cần che chắn kỹ vị trí xăm.

- Khi có bất cứ dấu hiệu nào như ngứa, đỏ, sưng hay khó thở, tức ngực, chóng mặt, đau bụng… cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo biến chứng nguy hiểm khi xăm môi