Khuôn mặt trái xoan, nét cười nữ tính, chuyên môn sắc sảo, đó là những ấn tượng của tôi về nữ Thẩm phán Nguyễn Thị Thủy Lam, công tác tại TAND huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Nỗ lực với nghề, chị đã từng ngày miệt mài cống hiến tài năng, tâm huyết, nâng cao chất lượng xét xử.
Phấn đấu để không có án bị hủy, sửa
Nhớ lại những ngày đầu mới bước vào nghề, Thẩm phán Thủy Lam kể, sau khi tốt nghiệp đại học, chị được tuyển vào với vai trò là Thư ký của Tổ Hành chính - Tư pháp TAND tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 2019, chị được tham gia kỳ thi tuyển Thẩm phán sơ cấp và chính thức được bổ nhiệm làm Thẩm phán vào năm 2020.
Tháng 10/2020 đến năm 2023, chị được điều động về TAND huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng làm Thẩm phán sơ cấp và được lãnh đạo phân công giải quyết 264 vụ án các loại (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại); giải quyết được 225 vụ (đạt tỷ lệ 85,2%); hòa giải thành 119 vụ; không có án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán; không có án tạm đình chỉ không đúng quy định của pháp luật; không có án quá thời hạn chuẩn bị xét xử; chủ tọa 03 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm; công khai 64/64 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đủ điều kiện lên Cổng thông tin điện tử của TANDTC (đạt tỷ lệ 100%).
Để trong thời gian làm Thẩm phán, để không có án bị hủy, sửa và đạt tỷ lệ giải quyết án cao, theo Thẩm phán Thủy Lam, ngoài sự cần mẫn của bản thân còn phải nhờ vào sự hỗ trợ của cấp trên, sự giúp đỡ của đồng nghiệp trong mọi mặt, nhất là về công tác nghiệp vụ. Từ đó, bản thân sẽ luôn sáng suốt để đưa ra bản án đúng người, đúng tội, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
Chị quan niệm phải luôn có ý thức tự học, tự rèn luyện bởi nghề Thẩm phán liên quan đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tự do và các vấn đề quan trọng về nhân thân của con người. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong phán quyết của Thẩm phán cũng có thể vô tình đẩy nhiều người rơi vào hoàn cảnh éo le.
Ngoài những niềm vui trong nghề, nữ Thẩm phán cũng chia sẻ những khó khăn, vất vả. Các vụ án ngày càng có tính chất phức tạp nên không tránh khỏi áp lực khi cường độ công việc lớn. Hơn nữa, Tòa án cấp huyện không có các tòa chuyên trách như cấp tỉnh, đòi hỏi mỗi Thẩm phán phải xét xử tất cả các loại án, từ hình sự, dân sự, lao động, kinh tế, hôn nhân - gia đình… nên khối lượng công việc phải xử lý kèm theo áp lực về tiến độ, thời gian rất lớn.
Bởi vậy, không chỉ áp lực về tiến độ, thời gian, các Thẩm phán phải áp dụng đúng kiến thức pháp luật, vận dụng linh hoạt các tình tiết, chứng cứ của vụ việc để đưa ra những phán quyết vừa thấu tình, đạt lý vừa đúng pháp luật.
“Công việc nào cũng có những khó khăn do đặc thù của nghề, Thẩm phán cũng vậy. Để trở thành một Thẩm phán đúng là một chặng đường khó khăn, rất nhiều tiêu chí cần phải đạt được, có rất nhiều kỳ thi cần phải trải qua. Và khó khăn hơn nữa là trở thành một nữ Thẩm phán. Bởi vì chúng tôi còn có thiên chức của một người phụ nữ. Không những đòi hỏi chuyên môn phải nắm chắc, bản lĩnh phải vững vàng mà còn phải dung hòa được giữa công việc cơ quan và gia đình”, Thẩm phán Thủy Lam chia sẻ.
Tuy vậy, Thẩm phán Nguyễn Thị Thủy Lam khiến nhiều đồng nghiệp phải nể phục bởi thành tích đáng nể của chị. Không chỉ có tỷ lệ án giải quyết cao, đạt tỷ lệ 90% hằng năm, chị còn là một trong những Thẩm phán có tỷ lệ án hòa giải thành cao nhất của TAND huyện Châu Thành đối với án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại.
Chị Lam cho biết: “Muốn hòa giải thành trước tiên Thẩm phán phải tạo được niềm tin cho đương sự, để họ giãi bày tâm tự, nguyện vọng, từ đó tìm ra mấu chốt của vấn đề, từng nút thắt của mâu thuẫn được tháo gỡ.
Với sự công tâm, lý lẽ và kiến thức pháp luật cùng sự hiểu biết xã hội, nắm bắt diễn biến tâm lý, Thẩm phán sẽ giải thích cặn kẽ cho từng đương sự hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ của họ trong từng vụ việc, khi họ nhận thấy đúng sai, tự thỏa thuận hoặc rút đơn kiện. Khó nhất là làm sao để cả đương sự và nguyên đơn đều tâm phục khẩu phục”.
Áp dụng sáng kiến vào công việc
Ngoài những áp lực trong nghề, nữ Thẩm phán Nguyễn Thị Thủy Lam cũng chia sẻ với chúng tôi nhiều băn khoăn, trăn trở khi chị tham gia xét xử các vụ án. Mỗi vụ với những tình tiết khác nhau, đằng sau đó là biết bao câu chuyện, số phận buồn về hôn nhân, gia đình. Đó là những vụ án ly hôn, chia con giữa phiên tòa, là người phụ nữ, chị xót xa khi chứng kiến trẻ em phải chọn ở cùng cha hay mẹ. Hay những vụ án liên quan đến sự thiếu hiểu biết quy định pháp luật dẫn đến phạm tội, không ít bị cáo đang trong lứa tuổi vị thành niên.
Chánh án TAND huyện Châu Thành Lê Văn Trúc cho biết: Đồng chí Lam là một Thẩm phán giỏi, tâm huyết, trách nhiệm trong công việc. Thời gian qua, chị cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giải quyết án, được đánh giá cao và được nhiều đồng nghiệp áp dụng, như: “Ứng dụng phần mềm Excel để tính lãi suất khi làm tham mưu giúp việc cho Thẩm phán của Thư ký Tòa án đối với các vụ án liên quan đến hợp đồng vay tài sản”;“Ứng dụng phần mềm Excel để tính tạm ứng án phí, án phí trong quá trình làm tham mưu giúp việc cho Thẩm phán của Thư ký Tòa án”;“Giải pháp làm tốt công tác thụ lý vụ án dân sự”; “Một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án dân sự ngay từ đầu năm công tác, giảm áp lực giải quyết án vào cuối năm công tác” và “Giải pháp làm tốt công tác giải quyết các vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất… Các sáng kiến của chị đã được triển khai và áp dụng hiệu quả trong công tác giải quyết các loại án, giúp Thẩm phán giải quyết vụ án nhanh gọn đảm bảo chất lượng, hạn chế án hủy, sửa do lỗi chủ quan”.
Với những đóng góp của mình, chị cùng với tập thể công chức, người lao động TAND huyện Châu Thành đã hoàn thành xuất sắc các mặt công tác. Năm 2021-2022, TAND huyện Châu Thành được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc và Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác năm 2022.
Và với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Thẩm phán Nguyễn Thị Thuỷ Lam được Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền và 07 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 05 lần được tặng Giấy khen tại các đợt thi đua ngắn hạn và được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua TAND vào năm 2018, 2021 và 03 lần tặng Bằng khen vào năm 2017, 2019, 2021.
Đặc biệt, trong năm 2024 Thẩm phán Nguyễn Thị Thuỷ Lam là một trong những cá nhân xuất sắc của hệ thống TAND vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Những danh hiệu cao quý này sẽ tiếp thêm động lực để Thẩm phán Nguyễn Thị Thủy Lam càng thêm gắn bó, có thêm những sáng kiến, cống hiến hết mình cho hệ TAND, trở thành tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ noi theo.