Phóng sự - Ghi chép

Người giữ hồn dân tộc Jẻ - Triêng

T. Thành 09/08/2023 06:52

Suốt mấy chục năm qua, ông đã bỏ ra rất nhiều công sức để đi sưu tầm và truyền dạy lại cho lớp trẻ về cách chơi các nhạc cụ truyền thống nhằm phục dựng và gìn giữ những nét văn hóa rất đặc trưng của dân tộc mình. Ông là Brôl Vẻ, người dân tộc Jẻ - Triêng, ở làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Món ăn tinh thần vô giá

Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Jẻ - Triêng ở Kon Tum thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân. Với hàng ngàn năm sinh sống trong các thung lũng, trên những lèn núi đá, họ đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá rất đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như các điệu múa mừng lúa mới, múa đám chay, hát giao duyên, hay các nhạc cụ truyền thống như kèn, sáo, đàn và các dụng cụ hằng ngày sử dụng lên nương rẫy...

Đối với người Jẻ - Triêng, âm nhạc không chỉ thông thường là hình thức giải trí mà đã trở thành bản sắc gắn với tín ngưỡng và truyền thống của dân tộc mình. Dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc vút bay giữa núi rừng. Họ hát để thể hiện sự đủ đầy sau những vụ mùa bội thu, hát để thể hiện niềm vui sướng khi được về làng mới...

anh-bai-nguoi-giu-hon-dan-toc-je-trieng-2.jpg
Già Brôl Vẻ được xem là “Thủ lĩnh tinh thần của người Jẻ - Triêng”
anh-bai-nguoi-giu-hon-dan-toc-je-trieng-1.jpg
Già Brôl Vẻ chơi nhạc tại nhà

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhu cầu cần thiết, tuy nhiên trên thực tế, một số loại hình văn hóa như múa, hát, các nhạc cụ truyền thống của dân tộc này ngày càng bị mai một. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều nền văn hóa từ bên ngoài du nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân cả vùng sâu và vùng xa.

Trong bối cảnh đó, rất may người Jẻ - Triêng còn có một Brôl Vẻ. Già kể rằng, ngay từ lúc còn trẻ ông đã đam mê âm nhạc. Cha ông cũng là người có tài ca hát và chế tác các loại nhạc cụ. Mỗi buổi tối ở lại trên nương, bên bếp lửa hồng, ông vẫn thường chăm chú theo dõi cách làm nhạc cụ của cha mình và lắng nghe những làn điệu dân ca. Cứ thế, âm nhạc ngấm dần vào ông như máu thịt.

12 tuổi, Brôl Vẻ đã thuộc làu làu từng khúc nhạc, từng điệu múa của dân tộc mình. Từ tiếng sáo du dương, trầm bổng đến những điệu múa, khúc đàn, đoạn nhạc reo vui như nước suối nguồn, già đều thuộc làu làu. 17 tuổi, Brôl Vẻ đã có thể chơi thành thục hầu hết các loại nhạc cụ của dân tộc mình.

Người già ở Ngọc Hồi kể rằng, mỗi khi tiếng sáo của Brôl Vẻ cất lên, người ta nghe trong đó vừa như có tiếng nước róc rách chảy xuống từ nóc núi, vừa như có tiếng gió rào rạt chơi cút bắt trên đỉnh rừng già… Dần dà, già trở thành một trong những người tài hoa nhất trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của người Jẻ - Triêng như Chiêng Sum, Trống, Khèn, Đinh tút Chiêng Sum, Trống, Khèn, Đinh tút... và nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của dân tộc mình…

Trăn trở với những giá trị truyền thống

Với quyết tâm không thể để cho di sản văn hoá quý báu của dân tộc bị mai một, trong nhiều năm qua, già làng Brôl Vẻ đã kiên trì, bền bỉ đi khắp các bản làng, đến từng nhà, vận động từng người về ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc truyền thống. Già giảng giải, nêu bật giá trị của các loại nhạc cụ, đặc biệt là tiếng sáo, tiếng chiêng trong mạch nguồn văn hoá của người Jẻ - Triêng.

Bởi theo già Brôl Vẻ thì sáo và chiêng là những nhạc cụ được cất lên cả khi vui và khi buồn. Đó là tiếng sáo linh thiêng của người Jẻ - Triêng khi thực hiện các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần. Không những thế, già còn nhiệt tình tham gia lớp truyền dạy cách thổi sáo và chơi các loại nhạc cụ truyền thống khác của người Jẻ - Triêng cho các thế hệ trẻ ở địa phương và các xã lân cận…

Già Brôl Vẻ bảo, âm thanh của tiếng sáo nó giống như một thứ ánh sáng tâm linh, dẫn dụ người Jẻ - Triêng biết cách để mở ra cánh cửa nội tâm. Đồng thời, tiếng sáo cùng với niềm tin tín ngưỡng và các giá trị văn hoá khác làm nên sợi dây bền chặt kết nối những người con của núi rừng sinh sống trên đại ngàn hùng vĩ.

“Mỗi bài hát, điệu múa, tiếng sáo của người Jẻ - Triêng đẹp như hoa trên núi. Nếu thế hệ con cháu sau này không biết hát, biết múa, biết thổi sáo, biết đánh đàn thì sẽ là một điều đáng tiếc, dân tộc này sẽ mất đi các di sản văn hoá độc đáo của mình”, già Brôl Vẻ tâm sự.

Trước đây, vào những ngày lễ hội, tiếng sáo của người Jẻ - Triêng lại vang lên lảnh lót gọi hồn thiêng núi rừng và gợi mở về một thế giới tâm linh huyền bí. Âm thanh đó phản ánh một đời sống văn hoá phong phú, độc đáo của một tộc người. Thế nhưng những năm gần đây, cuộc sống vật chất của người Jẻ - Triêng tuy có khá lên nhưng tiếng đàn, tiếng sáo thì thưa vắng. Già Brôl Vẻ vô cùng lo lắng khi các nét văn hóa cổ xưa của dân tộc mình đang dần mai một.

Bởi lẽ, với già Brôl Vẻ, âm nhạc dân tộc đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Hiện trong lớp người già Jẻ - Triêng, già cũng là người còn nắm giữ nhiều nhất những loại hình văn hóa truyền thống độc đáo và đặc sắc. Già sợ rằng, một mai già về với tổ tiên, núi rừng thì sẽ không còn ai biết được những tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng hát, điệu múa đó nữa để truyền lại cho con cháu mai sau…

Đã có lần, trước bàn thờ tổ tiên, thần rừng, già Brôl Vẻ thú nhận: “Hỡi tổ tiên, Brôl Vẻ con có tội nhiều lắm. Cây sáo, cây đàn này không biết truyền lại cho đứa con, đứa cháu nào. Chúng nó bây giờ như con hươu, con nai lạc lối. Chúng nó không muốn thổi cây sáo, hát bài hát của người Jẻ - Triêng nữa rồi…”.

Nỗ lực bảo tồn

Nhiều năm trời bền bỉ, cần mẫn với công việc bảo tồn và truyền dạy cho lớp trẻ, công sức của già Brôl Vẻ đã không uổng phí. Âm nhạc và các giá trị truyền thống dần quay về với đời sống văn hoá cộng đồng người Jẻ - Triêng. Nhiều người trẻ đã nối tiếp, thổi được sáo và chơi thành thạo các loại nhạc cụ. Bên cạnh đó, nhiều già làng trưởng bản, nghệ nhân khác như cũng cùng chung tay góp sức với già trong việc phục dựng lại nhiều nét văn hóa cổ xưa. Cũng từ đây, mà nhiều câu lạc bộ, nhiều mô hình dân ca, nhạc cụ dân tộc đã và đang được quần chúng gìn giữ và lưu truyền.

Đồng thời, mấy năm gần đây, các ngành văn hóa Kon Tum đã có nhiều hình thức để khơi nguồn và bảo tồn dân ca của người Jẻ - Triêng như mở lớp sáng tác, liên hoan văn nghệ, mở lớp tập huấn..., đã thu hút được nhiều thế hệ tham gia. Họ là những người của câu lạc bộ dân ca ở cơ sở, những người làm công tác văn hóa, những hạt nhân có năng khiếu văn nghệ của người dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch cũng bắt đầu đưa du khách đến với Đắk Răng, với mong muốn được thưởng thức các nét văn hóa đặc sắc của người Jẻ - Triêng.

Theo thời gian, ngày càng có nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm Đắk Răng. Và khi đó nhà của già Brôl Vẻ luôn là một điểm đến quen thuộc. Trong căn nhà nhỏ, hàng chục vật dụng như: gùi, ché, nỏ, cồng chiêng, đàn, sáo… được ông trưng bày ngăn nắp. Hễ khách có nhu cầu, già Brôl biểu diễn phục vụ ngay tại nhà và dẫn khách đi tham quan khắp làng.

Không chỉ được nghe đàn, hát, du khách còn được ông hướng dẫn tận tình về đặc trưng từng loại hiện vật, nhạc cụ. Sáo Ta Lêh dùng để giữ rẫy khỏi thú rừng, chuột; khèn, bin-lang (đàn bầu) dùng trong các dịp hát giao duyên; cồng chiêng dùng trong lễ hội lớn… Ông đã chế tác được 13 nhạc cụ như đâl đo, ta lêh, ta lul, binpul, chà kịt, ang en, gar, bin ne… Mỗi loại đều phát ra âm sắc độc đáo.

anh-bai-nguoi-giu-hon-dan-toc-je-trieng-3.jpg
Ngành văn hóa Kon Tum đã có nhiều hình thức để bảo tồn văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn

“Tôi có thể sử dụng thành thạo ít nhất 15 loại nhạc cụ khác nhau. Khách du lịch đến đây có người ngồi nghe cả buổi không muốn về. Thế nhưng giờ chúng tôi già rồi, để giữ gìn được bản sắc của tổ tiên, phải trông cậy vào lớp trẻ”, già Brôl chia sẻ.

Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của già Brôl Vẻ, năm 2009, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đến năm 2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tặng Kỷ niệm chương cho già vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Có thể nói, việc khơi nguồn, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Jẻ - Triêng là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, nó không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh được nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn nữa là những giá trị ấy sẽ được neo giữ trong những tâm hồn trẻ, để mai này song hành cùng họ đi đến tương lai. Chính vì thế, những đóng góp của những người như già Brôl là vô cùng to lớn đối với cộng đồng thôn bản. Già Brôl, cùng với một số ít các nghệ nhân cao tuổi khác là những hạt giống quý báu nắm giữ tinh hoa văn hóa phi vật thể của người Jẻ - Triêng. Họ chả khác gì “báu vật sống” của mỗi tộc người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ hồn dân tộc Jẻ - Triêng