Nánh Nghê là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đà Bắc (Hòa Bình), với địa hình đồi núi hiểm trở, phức tạp liên tục bị chia cắt bởi đá lở, mưa bão. Đã từ rất lâu hàng nghìn nhân khẩu nơi đây đang mong mỏi một cây cầu dân sinh.
Xã khó khăn, giao thông liên tục bị chia cắt
Nánh Nghê là xã vùng 3 của huyện Đà Bắc có vị trí phía Đông giáp xã Giáp Đắt (tỉnh Hòa Bình) và tỉnh Phú Thọ; phía Tây và Bắc giáp tỉnh Sơn La, còn phía Nam giáp xã Miềng Chiềng (tỉnh Hòa Bình). Xã có 832 hộ, với khoảng 3.600 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Mường, Tày. Đời sống bà con nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, tuy nhiên quy mô nhỏ nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, giao thông nơi đây cũng còn nhiều bất cập. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Đà Bắc hơn 80km nhưng phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ qua những đoạn đường đèo, dốc quanh co và cả những con đường dân sinh nhỏ hẹp một bên là vách núi, một bên là sông Đà, chạy dọc theo tỉnh lộ 433 để đến được trung tâm xã.
Trong những đợt mưa lũ, một số tuyến đường giao thông trong xã liên tục bị chia cắt bởi đất, đá lở tràn xuống lòng đường. Đã không ít trường hợp tai nạn giao thông xảy ra nhưng rất may không có thương vong về người, chỉ bị hư hại, mất mát về tài sản.
Ông Bùi Văn Nhậm (59 tuổi), trưởng xóm Nước Mọc chia sẻ, hiện tại tuyến đường từ xóm Nước Mọc đi xóm Nghê, Đăm, Lài có thể đi lại bằng 2 hướng. Một hướng đi từ UBND xã Nánh Nghê qua tỉnh lộ 433 đến đường liên xóm Nghê, Đăm, Lài dài khoảng 20km. Hướng số 2 (mới được đầu tư xây dựng giữa năm 2020) đi theo hướng UBND xã đi qua ruộng lúa sau đó đấu vào đường liên xóm Nghê, Đăm, Lài có chiều dài giảm 4km so với tuyến 1 và còn khoảng 16km.
“Ngày trước, khi chưa mở tuyến đường này (đường liên xóm Nghê, Đăm, Lài - PV) việc đi lại của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các cháu học sinh. Lứa tuổi lớp 4 đến lớp 5 được bố mẹ đưa đi học những đứa lớn hơn thì đi bộ, nếu đi đường cũ thì xa, vất vả và nguy hiểm cho các cháu bởi chỉ cần 1 trận mưa nhỏ cũng xảy ra sạt lở vì tuyến đường thứ nhất đó nằm dọc theo dãy núi cao, địa hình phức tạp. Mặc dù đã được nhà nước quan tâm hỗ trợ làm nền đường và đổ được hơn 70m đường bê tông tuyến đường số 2, tuy nhiên vẫn còn khoảng hơn 400m đường là chưa hoàn thiện, đoạn này lại đi qua con suối Nước Mọc, mỗi lần mưa kéo dài là không thể đi qua được. Mong muốn của người dân chúng tôi là được nhà nước quan tâm và hỗ trợ đầu tư một cây cầu để việc đi lại của người dân đặc biệt là các cháu học sinh, đồng thời phát triển kinh tế cho địa phương”, ông Nhâm cho biết thêm.
Cần lắm một cây cầu dân sinh
Cùng chung nguyện vọng, ông Cao Quý Dương, Phó hiệu trưởng trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Nghê chia sẻ: “Trường hiện có 272 em học sinh, trong đó có khoảng 100 em thường xuyên phải đi học trên tuyến đường này. Vào mùa mưa lũ việc đi đến lớp của các em rất vất vả. Đối với tuyến đường cũ, để đến trường phải đi vòng khoảng 4,5km, nguy hiểm hơn là tuyến đường này hay bị sạt lở và tắc đường chính vì lý do đó nên có nhiều em đã phải nghỉ học vì mưa lũ lớn”.
“Mong muốn lớn nhất của thầy và trò chúng tôi là được các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm tạo điều kiện, quan tâm xem xét sớm hoàn thiện tuyến đường và làm 1 cây cầu bắc qua suối Nước Mọc để các em học sinh đến lớp đầy đủ và an toàn hơn”, Thầy Dương nói.
Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Bùi Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) cho biết, xã Nanh Nghê là một trong những xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc, hộ nghèo chiếm 35%, cận nghèo 20%, đường sá trên địa bàn xã thì vô khó khăn, hiểm trở. Ảnh hưởng từ cơn bão năm 2017, xã Nánh Nghê đã gánh chịu thiệt hại rất lớn về tài sản cũng như con người.
“Năm 2020, UBND huyện quyết định đầu tư mở tuyến đường này với tổng chiều dài khoảng 500m, nối xóm Nước Mọc và 3 xóm Nghê, xóm Đăm và xóm Lài trong xã với nhau. Mặc dù đã được nhà nước quan tâm đầu tư, tuy nhiên người dân trong xã, cũng như chính quyền địa phương mong muốn có một cây cầu để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn nhất là vào mưa lũ. Bởi lẽ, việc đi lại trên tuyến đường cũ có chiều dài khoảng 4,5 km, vào mùa mưa bão thường xuyên bị sạt lở, trơn trượt nên việc đi lại của người dân cũng như các cháu học sinh trở nên khó khăn hơn rất nhiều”, ông Phúc chia sẻ.
Ông Phan Quỳnh Anh - Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đà Bắc, cho biết thêm: “Đa số các tuyến đường trên xã Nánh Nghê là đường bê tông nhỏ, hẹp, thường xuyên bị ảnh hưởng từ mưa lũ, nên hệ thống đường xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù được UBND huyện rất quan tâm, tuy nhiên về kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa cải tạo những tuyến đường của xã Nánh Nghê cũng như huyện Đà Bắc rất lớn vì vậy cũng chỉ bố trí được một phần nhỏ kinh phí”.
Hiện tại, tuyến đường UBND xã Nánh Nghê đi xóm Mọc, xóm Nghê và Xóm Đăm Lài là tuyến đường hết sức quan trọng phục vụ cho đời sống, sản xuất kinh doanh của nhân dân đồng thời tạo điều kiện đi lại cho các em học sinh.
Trong năm 2020, Tổ chức phi chính phủ của Ailen đã quan tâm và tạo điều kiện cấp kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường đi tắt dài 500m để giảm chiều dài, tránh sạt lở so với tuyến đường chính, tuy nhiên, do kinh phí nhỏ nên mới chỉ đầu tư được hạng mục nền đường, chưa có hệ thống thoát nước như: rãnh dọc, cống, cầu dẫn đến việc đi lại của người dân và các cháu học sinh rất nguy hiểm.
Tuyến đường chính có vị trí đường đi từ TL433 đi vào 3 xóm Đăm, xóm Lài, xóm Nghê có chiều dài hơn 4,5km mặc dù đã được đầu tư xây dựng tuy nhiên tuyến đường này rất nguy hiểm vì độ dốc của địa hình lớn. Những khi trời mưa thường xảy ra sạt lở, đá lăn từ trên cao. Có nhiều trường hợp chính quyền địa phương đã ghi nhận xảy ra tai nạn tại đây, vì vậy việc đầu tư và quan tâm từ các cấp lãnh đạo là hết sức cần thiết.
“Trong thời gian tới phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đà Bắc sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan, ban ngành, các mạnh thường quân, những nhà tài trợ giúp đỡ cho bà con nhân dân và các cháu học sinh ở Nánh Nghê đi lại thuận lợi", ông Anh cho biết thêm.