Những ngày này, rất đông người dân trên địa bàn TP.HCM có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP.HCM cầu nguyện cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước di ảnh của Bác Trọng, nhiều người không cầm được nước mắt, tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của vị lãnh đạo tài đức.
Sáng 21/7 (nhằm ngày 16/6 âm lịch), chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM có rất đông người dân, bạn trẻ đến cầu nguyện cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hôm nay rơi vào ngày 16 âm lịch nên lượng người dân đến chùa càng đông.
Theo quan sát, di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt nghiêm trang phía sau chánh điện của chùa Vĩnh Nghiêm, xung quanh được trang trí hoa cúc vàng.
Di ảnh này được chùa Vĩnh Nghiêm đặt lên bàn thờ từ tối 14/6 âm lịch, đây là việc làm ý nghĩa nhằm thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh đạo của nước nhà. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân TP.HCM đến cầu nguyện, tưởng nhớ.
Ghi nhận của phóng viên, chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ, rất đông người dân, bạn trẻ đến cầu nguyện cho Tổng Bí thư. Đứng trước di ảnh, nhiều người không cầm được nước mắt, họ khóc thương trước sự ra đi của một nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn.
“Bình thường rằm, mùng 1 tôi hay đến chùa, hôm nay đến rất bất ngờ vì thấy di ảnh của Bác Trọng, Lúc nhìn thấy di ảnh, tôi rất xúc động”, cô Ngọc Lan, quận Tân Bình chia sẻ.
Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô Lan nhận xét: Bác Trọng là một người rất tuyệt vời, Bác đã giúp cho người dân, đất nước Việt Nam có nhiều đổi mới, bác mất đi, người dân Việt Nam như mất đi người thân vậy.
Sáng cuối tuần, chị Hà Xuyến cùng con trai từ quận 1 qua chùa Vĩnh Nghiêm để thắp nhang như thường lệ, khi thấy di ảnh Tổng Bí thư phía sau chánh điện chị dừng lại cầu nguyện.
“Nghe tin Bác mất, tôi rất buồn, cảm giác như mất đi một thứ gì đó rất lớn lao. Hôm nay đi chùa thấy di ảnh nên tôi và con trai vào cầu nguyện. Đối với tôi, Bác là một người có tâm, có tài, có đức. Cả cuộc đời hiến dâng cho dân, cho nước”, chị Xuyến bày tỏ.
Phía sau chánh điện, chị Trang, quận Tân Bình cùng chồng lặng người một lúc lâu trước di ảnh của Bác Trọng. “Mấy ngày nay tôi rất hụt hẫng, buồn lắm, chỉ biết cầu nguyện cho Bác sớm được siêu thoát về miền cực lạc”, chị Trang nói.
Còn chị Phương Anh, quận Phú Nhuận nghẹn ngào không nói nên lời khi đứng trước di ảnh của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, thi thoảng chị lại cúi gập người xuống để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với nhà lãnh đạo kiệt xuất của nước nhà.
Ngoài di ảnh của Tổng Bí thư, phía sau khu vực chánh điện còn có di ảnh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhiều di ảnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ.
Một số hình ảnh ghi nhận ngày 21/7 tại chùa Vĩnh Nghiêm:
Tại TP.HCM, Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức từ 7h - 22h ngày 25/7/2024 và từ 7h - 13h ngày 26/7/2024 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
Trong hai ngày Quốc tang (25/7 và 26/7/2024), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.