Ngày 4/10, sau 53 ngày được ghép phổi từ người cho chết não, bệnh nhân Nguyễn Văn Khương, 38 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội) đã bình phục sức khoẻ và được xuất viện.
Đây là bệnh nhân ghép phổi trong ca lấy 6 tạng ghép cho 5 người bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Đồng thời là bệnh nhân thứ 2 được ghép phổi ở Việt Nam được xuất viện sau gần 2 tháng.
Trước khi ghép phổi, anh Khương suy yếu, chỉ nặng 41kg, không tự thở được phải dùng máy hỗ trợ. Nay, anh đã tự thở được, đi lại nhanh nhẹn, ăn uống tốt và tăng được 6kg.
Bà Nguyễn Thị Điển (mẹ anh Khương) cho biết, lúc 8 tháng tuổi anh đã phải đi viện 11 ngày vì viêm phế quản. Sau đó cứ trái gió trở trời, bệnh lại tái phát, sức khỏe anh Khương kém dần. 3 năm gần đây, bệnh nặng hơn, anh không thể tự thở, phải mua máy thở về nhà hỗ trợ.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức tặng hoa chúc mừng bệnh nhân và gia đình.
Điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ lắc đầu nói không còn cách nào khác, chỉ có ghép phổi mới có thể sống. Anh điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khi bệnh ở giai đoạn cuối, tên trong danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng. Nếu không ghép phổi, tiên lượng anh sống dưới một năm.
Thế nhưng, sự tận duyên với đời của người cho chết não là một thanh niên 20 tuổi đã giúp cho anh được hồi sinh một lần nữa. Khi có thông tin có người chết não hiến phổi, cả gia đình anh thấy như được từ cõi chết trở về. Cả gia đình huy động toàn bộ nguồn lực gia đình tới 1,5 tỷ đồng để thực hiện ca ghép phổi.
Ca lấy và ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4h chiều 12/8 tới 6h30’ sáng ngày 13/8. Sau mổ vài ngày, anh Khương tỉnh nhanh nhưng phải sau 3 tuần, gia đình mới được gặp anh.
Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, so với các ca ghép tạng khác, diễn biến sau mổ của bệnh nhân ghép phổi phức tạp và khó khăn hơn, đòi hỏi việc chăm sóc phải vô cùng tỉ mỉ như phải kiểm soát được nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu nâng cao thể trạng.
Rất may là hai lá phổi đã thích nghi trong cơ thể bệnh nhân Khương, giúp anh trở lại cuộc sống bình thường với những ăn uống, sinh hoạt và hơi thở không còn khó khăn như trước. Sau hơn 1,5 tháng được chăm sóc tích cực, bệnh nhân ghép phổi đã hoàn toàn ổn định và có thể xuất viện.
Bà Nguyễn Thị Điển (mẹ của bệnh nhân Khương) xúc động chia sẻ: “Hôm nay, gia đình tôi rất hạnh phúc khi con tôi được ra viện. Giống như con tôi được sinh ra lần thứ 2. Hiện nay, con tôi đã khỏe mạnh. Tôi gửi lời cám ơn để các bác sĩ và đặc biệt là người gia đình ân nhân đã hiến tạng cứu con tôi”.
Trước đó, ca ghép phổi từ người cho đa tạng chết não đầu tiên cũng do các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện vào ngày 12/12/2018. Bệnh nhân 17 tuổi, mắc bệnh mô bào phổi (thể đặc biệt của ung thư) giai đoạn cuối và suy đa tạng rất nặng.
"Ca mổ đã thành công về mặt kỹ thuật. Tới nay bệnh nhân vẫn còn sống sau mổ gần 10 tháng, vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện”, GS Giang cho biết.
Ngày 4/10/2019, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã trao quyết định thành lập Trung tâm Tim mạch lồng ngực, từ Khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực. Trong 60 năm qua, hàng nghìn ca mổ tim phức tạp, đặc biệt 26 ca ghép tim và 2 ca ghép phổi đã được thực hiện thành công tại đây. |