Người dân cần bình tĩnh, cân nhắc việc rời các địa phương đang có dịch

Thanh Phương| 25/07/2021 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP HCM, nhiều tỉnh phía Nam nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, chính quyền địa phương mức độ lây lan đang chậm lại và cơ bản được khống chế. Người dân cần bình tĩnh, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Trước tốc độ lây lan chóng mặt của biến thể Delta, TP HCM phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch sớm đưa cuộc sống trở lại. Với một siêu đô thị như HCM và tình huống chưa hề có trong tiền lệ một số khâu, công đoạn bị lỗi nhịp là điều khó tránh khỏi. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, linh hoạt trong điều hành, chính quyền thành phố đang đưa các hoạt động trở lại quỹ đạo, đảm bảo sức khỏe, lương thực cho người dân.

a1cannhac.jpg
Thực hiện lấy mẫu, test nhanh cho người vào trong khu cách ly tập trung

Để chia lửa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, hàng chục đoàn y, bác sỹ ở khắp các mọi miền tổ quốc đã lên đường chi viện. Các công ty, tập đoàn, tổ chức, cá nhân đã tài trợ, ủng hộ tiền, máy thở, giường bệnh, khẩu trang… cho các địa phương. Hàng nghìn tấn hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm được người dân quyên góp chuyển vào phía Nam. Tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Các địa phương đã lên kế hoạch tổ chức đón người dân của tỉnh mình trở về địa phương cách ly tập trung, phòng chống dịch. 

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức đón người về quê. Theo đó, công dân người Thanh Hóa sẽ được UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội đồng hương tỉnh Thanh Hóa tại TP HCM đón về quê trên máy bay của Hãng hàng không Bamboo Airways, do Tập đoàn FLC tài trợ. Dự kiến chỉ đón khoảng 1.000 công dân từ TP HCM và chia thành 3 đợt. Cụ thể, đợt 1: từ 30/7 đến ngày 2/8, số lượng khoảng 400 người; đợt 2: từ 25/8 đến 27/8, số lượng khoảng 400 người; đợt 3: từ 20/9 đến 22/9, số lượng khoảng 200 người. Người có nguyện vọng về quê sẽ đăng ký qua Hội đồng hương tỉnh Thanh Hóa tại TP HCM và được hướng dẫn cụ thể rõ ràng các thủ tục, điều kiện.

Các đối tượng thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do mất việc làm; người già trên 65 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em dưới 15 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; phụ nữ mang thai thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; người bị mắc kẹt do thăm thân, đi công tác sẽ thuộc diện ưu tiên.

a2cannhac.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiểm tra cơ sở vật chất trong khu cách ly tập trung

So với thống kê sơ bộ, tổng số người Thanh Hóa đang ở các địa phương khác làm ăn, sinh sống, học tập là 218.018; trong đó số người có nguyện vọng trở về là 25.083. Khả năng vận tải, bố trí khu cách ly tập trung, đội ngũ để đáp ứng nhu cầu vận hành, đảm bảo an toàn, xử lý sự cố khi có ổ dịch phát sinh…là một gánh nặng đối với địa phương này. Hiện Thanh Hóa đang cách ly 1.325 người tại 43 khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 12.563 người. Đã giám sát, truy vết tổng số 899 F1; 7.803 F2 và các trường hợp liên quan khác; xử phạt 823 trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19, với tổng số tiền phạt trên 1,6 tỉ đồng.

Người dân Thanh Hoá tại các địa phương đang thực hiện giãn cách nên bình tĩnh, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, cân nhắc một cách kỹ lưỡng việc trở về quê thời điểm này, bởi việc di chuyển từ vùng dịch về quê tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Các loại hình vận tải đã bị cấm hoặc hạn chế nên sẽ tốn kém khi di chuyển. Khi trở về phải cách ly tập trung 21 ngày (nếu không thuộc các đối tượng ưu tiên thì phải trả phí), sau đó phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày. Trong thời gian 35 ngày này, người đang cách ly nhiều lần phải lấy mẫu test, xét nghiệm đối với SARS CoV-2. 

Về lâu dài, khi dịch bệnh đã được khống chế ở các đô thị lớn, nhu cầu tuyển dụng người lao động sẽ tăng cao. Lúc này, người đã trở về địa phương không tìm được việc làm phù hợp lại phải lên đường tìm kế sinh nhai. Thêm một hành trình lỉnh kỉnh, tốn kém trở lại với con số không, bắt đầu đi tìm nhà trọ, việc làm… 

Thay vì đặt mình và người thân vào con đường gian nan, đầy rủi ro trên thì cách tốt nhất là ở yên tại chỗ. Dù có chật hẹp, ngột ngạt một chút vẫn cứ là nhà mình đang ở, tốt hơn hẳn khu cách ly tập trung. Những hoạt động khác bị hạn chế nhưng nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực sẽ được chính quyền địa phương, tổ cộng đồng, trung tâm hỗ trợ, cung cấp. Hãy tranh thủ thời gian này bù đắp cho gia đình, người thân vì cuộc sống trước đó vốn náo nhiệt, vòng quay cơm áo chóng mặt không có thời gian chăm lo cho nhau. 15 ngày giãn cách sẽ trôi qua không vô nghĩa. Mọi thử thách, thiên tai, dịch bệnh sẽ qua đi nếu chúng ta đoàn kết, cũng nhau nỗ lực, kiên cường chiến đấu.

a3cannhac.jpg
Hàng nghìn tấn hàng hóa người dân xứ Thanh hướng về TP HCM

Hiện nay, Thanh Hóa đã kích hoạt các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tổ chức cách ly tập trung, đảm bảo đủ các điều kiện, cương quyết không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19; thiết lập các Trung tâm hồi sức tích cực điều trị Covid-19; nâng cao năng lực và bổ sung vận hành các cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2; đảm bảo đủ nhu cầu test kit, sinh phẩm cho công tác phòng chống dịch...

Trưng dụng các khu ký túc xá của Trường Đại học Hồng Đức, Trường Chính trị tỉnh để bố trí làm các cơ sở cách ly tập trung tuyến tỉnh phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Trường Chính trị tỉnh và các đơn vị có liên quan, khẩn trương tiến hành củng cố, bố trí các khu cách ly; thành lập khung quản lý (có quân sự, công an, y tế, lực lượng của các nhả trường) và tổ chức tiếp nhận, phân luồng, cách ly công dân đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân cần bình tĩnh, cân nhắc việc rời các địa phương đang có dịch