Hội đồng nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học TANDTC đã nghiệm thu và đánh giá kết quả xuất sắc đề tài khoa học cấp Bộ “Quy định của pháp luật về bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt và hướng hoàn thiện” của nhóm tác giả.
Vừa qua, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC do TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng đã tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Quy định của pháp luật về bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt và hướng hoàn thiện”.
Các thành viên Hội đồng gồm: TS. Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TANDTC; ThS. Nguyễn Xuân Thiện, Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; NCS Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC; ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC.
Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC làm Chủ nhiệm; TS. Nguyễn Chí Công, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng làm Phó Chủ nhiệm đề tài.
Tại buổi nghiệm thu đề tài, sau khi trình bày báo cáo tóm tắt, các thành viên trong Hội đồng khoa học đã có nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá đây là đề tài có sự đầu tư nghiên cứu rất sâu, đáp ứng được yêu cầu cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Theo đánh giá chung, hệ thống pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi hiện nay như BLHS, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, BLTTHS, Luật Phòng chống ma túy... đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, do các quy định này nằm rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau, ở các văn bản dưới luật do nhiều cơ quan ban hành, nên đôi khi còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, thậm chí là mâu thuẫn, nên hiệu quả thực thi chưa cao, đặc biệt các trường hợp người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt chưa có văn bản quy định chuyên biệt, nhiều vấn đề bảo vệ người dưới 18 tuổi chưa được pháp luật ghi nhận.
Do đó, kết quả nghiên cứu đề tài “Quy định của pháp luật về bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt và hướng hoàn thiện” có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em trong thời gian tới.
Đặc biệt, đề tài còn phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng ban hành một đạo luật chuyên biệt về bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt (Luật Tư pháp người chưa thành niên); bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt; thiết lập hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên thành một thể thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và xu hướng phát triên chung của thế giới.
Đánh giá việc nghiên cứu đề tài là hết sức cần thiết, Thẩm phán TANDTC Lương Ngọc Trâm cho biết, trên cơ sở tổng kết quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên, thấy rằng mặc dù Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác xây dựng hệ thông pháp luật, tuy nhiên, hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn thiếu đồng bộ, mâu thuẫn và lạc hậu dẫn đến hiệu quả bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tình trạng xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và các chất kích thích… vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Phát biểu nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá đề tài được tổ chức nghiên cứu công phu, khoa học, phù hợp với mục tiêu đặt ra là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, thực tiễn của việc bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật. Các phần, chương, mục được kết cấu logic, phù hợp với nội dung của đề tài.
Nội dung nghiên cứu đầy đủ, đã phân tích được ý nghĩa, nguyên tắc của việc bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt; quy định của pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt; nêu bật những khó khăn, vướng mắc, quá trình thi hành...
Các lập luận, đánh giá, nhận định trong đề tài sắc nét đã thể hiện được quan điểm của nhóm tác giả và làm nổi bật các vấn đề cần phân tích. Số liệu trích dẫn được lấy từ các nguồn chính thống, có độ tin cậy.
Ngoài ra, nội dung và kết quả nghiên cứu của đề tài cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu trong các cơ quan, các trường đại học khoa học pháp lý.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC đánh giá cao, 100% thành viên nhất trí nghiệm thu và mong muốn công trình khoa học sau khi được nghiệm thu sẽ góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng ban hành một đạo luật chuyên biệt về bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt (Luật Tư pháp người chưa thành niên).