Cải cách tư pháp

Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ về sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử

Mai Đỉnh 10/05/2023 - 13:07

Ngày 9/5, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC tổ chức đánh giá và nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện quy định về sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng.

Thành viên Hội đồng gồm: ThS. Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC; ThS. Lê Văn Minh, Thẩm phán TANDTC; TS. Đặng Thị Thơm, Phó Chánh Văn phòng TAND cấp cao tại Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ cải cách tư pháp Trung ương; TS. Phạm Văn Lợi, Trưởng phòng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC.

Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC làm Chủ nhiệm; TS. Nguyễn Chí Công, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng làm Phó Chủ nhiệm; ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học làm Thư ký đề tài.

de-tai-khoa-hoc8.jpg
TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC - Chủ tịch Hội đồng.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học làm Thư ký đề tài đã báo cáo vắn tắt trước Hội đồng về tính cấp thiết của đề tài, làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là vô cùng cần thiết.

Mục đích nghiên cứu đề tài, xây dựng được cơ chế pháp lý hữu hiệu bảo đảm nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án một cách thực chất, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy công bằng tư pháp, nâng cao niềm tin của công chúng vào công lý, hướng tới xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

de-tai-khoa-hoc7.jpg
Đại diện nhóm tác giả báo cáo vắn tắt trước Hội đồng về tính cấp thiết của đề tài.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã thảo luận và nhất trí đánh giá đề tài có tính thời sự, cần thiết và có những đóng góp trên cả bình diện khoa học và thực tiễn.

Việc nghiên cứu Đề tài nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị là xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (NQ 27) và Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 về thực hiện NQ 27, trong đó giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự đảng TANDTC “chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam xây Đề án đổi mới và nâng cao hiểu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án” (hoàn thành trước năm 2025).

Đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, trên cơ sở nghiên cứu lý luận về vị trí, vai trò của Hội thẩm trong hoạt động xét xử, thực trạng tổ chức và hoạt động của Hội thẩm (đã nêu rõ những kết quả đạt được trong công tác xây dựng pháp luật, công tác tổ chức và nguồn nhân lực, hoạt động tham gia xét xử và giám sát của Hội thẩm cũng như đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân), nghiên cứu một số mô hình về sự tham gia của nhân dân trong hoạt động xét xử của một số quốc gia trên thế giới (Hoa kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Italia...), những kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

de-tai-khoa-hoc3(1).jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện quy định về sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.

Hội đồng cũng đánh giá cao về các đề xuất, kiến nghị nêu trong đề tài. Trong đó có nhiều đề xuất có tính mới, tính đột phá như: nghiên cứu xây dựng Luật Hội thẩm; nghiên cứu, bổ sung chế định Hội thẩm đoàn trong xét xử sơ thẩm hình sự; đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Hội thẩm trong HĐXX (Hội thẩm tham gia HĐXX, khi xác định sự thật vụ án có quyền phát biểu ý kiến độc lập và biểu quyết cùng Thẩm phán; về áp dụng pháp luật có thể phát biểu ý kiến nhưng không được tham gia biểu quyết).

de-tai-khoa-hoc6.jpg
TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao tính thời sự và cần thiết của đề tài.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị là tiền đề để TANDTC đề xuất đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu trong các cơ quan, các trường đại học đào tạo chuyên ngành Luật.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC đánh giá cao, 100% thành viên nhất trí nghiệm thu và đánh giá kết quả xuất sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ về sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử