Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức TAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới" ở mức xuất sắc.
Chiều 8/5, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC do TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng đã tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài khoa học cấp cơ sở “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức TAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Các thành viên Hội đồng gồm: ThS. Lê Văn Minh, Thẩm phán TANDTC; ThS. Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ TANDTC; PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án.
Đề tài do ThS. Nguyễn Tường Linh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ TANDTC làm Chủ nhiệm; ThS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Vụ Thi đua - Khen thưởng TANDTC làm Phó Chủ nhiệm.
Việc nghiên cứu, thực hiện Đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức TAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới" là yêu cầu cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của TAND hiện nay, xây dựng TAND các cấp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Qua nghiên cứu, phân tích cơ sở lý luận, thực trạng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TAND, đề tài góp phần chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo, bồi đưỡng cán bộ, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TAND, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ TAND các cấp trong sạch, vững mạnh, liêm khiết, có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, phù hợp với Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài có giá trị làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc triển khai nghiên cứu, xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TAND; đồng thời, góp phần triển khai, nghiên cứu xây dựng văn bản của TANDTC chỉ đạo, hướng dẫn TAND các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu quả hoạt động của TAND.
Tại buổi nghiệm thu, các nhà khoa học trong Hội đồng đã cho đánh giá phản biện và góp ý nhằm hoàn thiện đề tài. Nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá đây là đề tài có sự đầu tư nghiên cứu rất sâu, đáp ứng được yêu cầu cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Đề tài là công trình tham khảo cho các nhà nghiên cứu, tổ chức, quản lý, là tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu của các cơ quan, Bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và địa phương trong cả nước.
Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức TAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới" ở mức xuất sắc.