Đây là một trong những yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tại Chỉ thị số 1671/CT-KTNN về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa được ký ban hành.
Theo đó, Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và toàn thể công chức, viên chức, người lao động phải thường xuyên quán triệt, học tập và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 131-QĐ/TƯ ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định… của KTNN, hệ thống chuẩn mực KTNN, quy trình kiểm toán và các quy định, hướng dẫn có liên quan trong hoạt động kiểm toán.
KTNN cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải bám sát chỉ đạo của Ban Cán sự đảng KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc tổ chức thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để lựa chọn đúng, trúng các chủ đề kiểm toán.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề nóng, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, các vấn đề được Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm để xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) khoa học, có trọng tâm, trọng điểm gắn với mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán.
Thủ trưởng các đơn vị bố trí nhân sự, thời gian thích hợp cho công tác thẩm định dự thảo KHKT; chỉ đạo tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định; chỉ đạo trưởng đoàn kiểm toán thực hiện đầy đủ các quy trình kiểm toán..
Các trưởng đoàn kiểm toán, phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong công tác khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán để phân tích, đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán phù hợp.
Xác định thứ tự ưu tiên các mục tiêu, nội dung kiểm toán gắn với bối cảnh cụ thể của từng cuộc kiểm toán để dự kiến bố trí nhân sự, thời gian, phạm vi và phương pháp, thủ tục kiểm toán trong kế hoạch, nhất là phải coi trọng chất lượng kiểm toán, tránh tình trạng dàn trải.
Trưởng đoàn kiểm toán cũng phải thường xuyên chỉ đạo sâu sát, bao quát, kịp thời các tổ kiểm toán; thực hiện nghiêm Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và các hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình kiểm toán; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung kiểm toán tại các cơ quan, bộ phận đầu mối tổng hợp của đơn vị được kiểm toán; chỉ đạo thực hiện kiểm toán nhân rộng các phát hiện, kết quả kiếm toán (nếu tương đồng) để tăng quy mô mẫu chọn, bảo đảm tính thuyết phục của bằng chứng kiểm toán và kiến nghị thống nhất.
Tổ trưởng tổ kiểm toán phải coi trọng việc lập kế hoạch kiểm toán chi tiết, trong đó, lưu ý đến việc xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán và phân công công việc cho kiểm toán viên phải gắn với đặc điểm hoạt động của đơn vị được kiểm toán và năng lực của kiếm toán viên; quan tâm, chú trọng chỉ đạo, soát xét và hướng dẫn kiểm toán viên thực hiện chọn mẫu kiếm toán, thu thập bằng chứng kiểm toán và ghi chép trên tài liệu làm việc của kiểm toán viên kịp thời, đầy đủ, đúng quy định của ngành, nghiêm cấm việc không phản ánh hoặc bỏ sót kết quả kiểm toán.
Đặc biệt, khi có phát hiện kiểm toán quan trọng thì dựa trên cơ sở pháp luật, chuẩn mực kiểm toán nhà nước, các quy định của ngành phải báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền và đi tới tận cùng của vấn đề để thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ củng cố vững chắc cho các phát hiện, kiến nghị kiểm toán.