Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thành Phan| 08/03/2023 15:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/3, thông tin từ UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết, nghệ thuật trình diễn dân gian trò "Múa đèn chạy chữ", hát chèo chải cổ trong Lễ hội Ngư võng phường xã Thiệu Quang mới được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định số 482/QĐ-BVHTTDL về việc đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ trong lễ hội Ngư võng phường xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hoá.

Trò "Múa đèn chạy chữ” gắn liền với lễ hội Ngư võng phường của làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hoá). Lễ hội được tổ chức vào 4 ngày (từ ngày mùng 8 đến 12 tháng Giêng hằng năm). Trong lễ hội, làng thường tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi, trò diễn dân gian như: rước thuyền, đánh đu, chọi gà, đánh cờ người, múa lân, hát chèo chải và múa đèn chạy chữ.

Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đội văn nghệ tham dự trò "múa đèn chạy chữ" làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang

Nét độc đáo của điệu “Múa đèn chạy chữ” là sự kết hợp giữa hát chèo chải cổ cùng các động tác múa để tạo nên tổ khúc múa đèn, trong đó hát chèo chải cổ gồm 4 bài: Hát giảo chải, hát múa quạt, hát chèo thuyền và hát giáo chân sào.

Đội múa đèn gồm 12 cô gái hát hay, múa dẻo, mặc váy đen dài chấm gót, áo tứ thân màu nâu, đầu quấn khăn đỏ, tay cầm dải lụa dài khoảng hơn 2m màu hồng. Đội múa xếp thành hàng ngang. Trên nền nhạc múa hát giáo đèn, những cô gái trong đội múa đèn sẽ đội lên đầu một đĩa có 5 ngọn đèn, vừa hát, vừa múa và cuối cùng là xếp các chữ nhất, nhị, tam, tứ và ngũ.

Sau khi biểu diễn các chữ theo hình đã xếp, đến “hát mừng” thì cả đội múa lượn vòng tròn, nằm xuống đất lật người xếp thành bông hoa năm cánh. Rồi từ đó di chuyển thành một hàng ngang nhìn lên ban thờ, hai tay nâng đĩa đèn trên đầu xuống lạy tạ rồi rời sân khấu.

Trò “Múa đèn chạy chữ” mang ý nghĩa ca ngợi công ơn Đức thánh cả và thành hoàng làng cũng như thể hiện ước vọng của Nhân dân về một cuộc sống ấm no, bình an và hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia