Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà nhà lại bắt đầu chuẩn bị những nghi thức theo phong tục xa xưa mà ông bà để lại. Và nhiều năm nay, thói quen “mặc đẹp đón Tết” cũng dần trở thành một trong những truyền thống và phong tục mà người Việt thường làm trong dịp Lễ đầu năm. Các nghệ sĩ Việt cũng duyên dáng và thướt tha trong tà áo dài chơi Tết.
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Phụ nữ Nhật tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại cho ta ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari…
Còn phụ nữ Việt Nam, từ ngày xa xưa cho đến nay vẫn mãi mãi song hành với chiếc áo dài truyền thống duyên dáng và thướt tha. Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt.
Một vẻ đẹp mĩ miều nhưng đằm thắm, là “Quốc phục” biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Xuân về Tết đến, những chiếc áo dài lại tung bay xuống phố, rực rỡ sắc màu và căng tràn sức sống.
Tết là dịp đặc biệt để mình chọn áo dài cho gia đình. Áo dài mang đến không khí thiêng liêng, trang trọng vào dịp Tết. Qua đó, mình cũng muốn để các con gắn kết và cảm thấy gần gũi hơn với các giá trị truyền thống ngay từ khi còn bé.
Việc người dân đón xuân trong tiết trời ấm áp cùng tà áo dài duyên dáng, rực rỡ muôn sắc màu, đã khiến nhiều con phố xôn xao trong những ngày đầu năm mới.
Trong giai đoạn giao lưu và hội nhập, có nhiều luồng văn hóa du nhập từ bên ngoài, không chỉ ảnh hưởng đến văn hóa cả các dân tộc trên đất nước ta, mà thời gian qua, nó cũng ảnh hưởng đến các trang phục truyền thống.
Nhiều người không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục dân tộc mình, đang có sự lai tạp, biến dạng, mất mát với tốc độ đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, quan niệm về cái đẹp của giới trẻ đã thay đổi, những bộ trang phục truyền thống trở nên gò bó, không thuận tiện trong sinh hoạt, lao động hàng ngày nữa. Áo dài Tết cổ truyền Việt Nam cũng vậy.
Nhưng hiện tại, dù thời hiện đại không thiếu nhiều kiểu áo quần đắt tiền và sành điệu, phần đông chị em phụ nữ Việt vẫn luôn chú trọng đến tà áo dài đón Tết.
Từ truyền thống đến cách tân, chiếc áo dài xuất hiện khắp mọi nơi, trở thành một phần không thể thiếu của ngày Tết hiện đại, góp phần làm nên không khí trọn vẹn ngày đầu năm mới.
Sự thay đổi của nhịp sống hiện đại đã thổi làn gió mới vào tà áo dài cũ, biến chúng trở thành những thiết kế “cách tân” với mục đích giúp người mặc cảm thấy thoải mái hơn.
Bên cạnh đó, phải công nhận rằng áo dài cách tân không chỉ giữ được nét đẹp truyền thống trong thời đại mới mà còn rất dễ mặc, dễ dùng.
Đến hiện tại, tà áo dài truyền thống vẫn khẳng định được vị trí của mình trong dòng chảy lịch sử: đánh thức và tôn vinh giá trị văn hóa Việt. Bên cạnh đó, mặc áo dài Tết còn là sự thể hiện niềm tự hào dành cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt.
Các nghệ sĩ Việt cũng góp phần quảng bá hình ảnh chiếc áo dài thướt tha. Trong ngày đầu năm mới Nhâm Dần, các nghệ sĩ Việt đã diện trang phục áo dài truyền thống để chơi Tết.
Ngày đầu năm, gia đình Hồ Ngọc Hà cùng diện áo dài chơi Tết. "Mùng 1 Tết. Một năm thật hạnh phúc, bình an bên người thân. Xin cảm ơn tình cảm của khán giả đã dành cho Hà và gia đình một năm qua. Xin cầu mong mọi chuyện trong cuộc sống được trở lại thật sự bình thường để Hà cũng được tiếp tục cống hiến những sản phẩm âm nhạc đến các fans của mình", cô chia sẻ.