Phóng sự - Ghi chép

Nghề săn 'thủy quái'

Nam Hoàng 15/09/2023 09:00

Trong chuyến đi ngược dòng về phía thượng nguồn con sông Đà hùng vĩ, tôi đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện về những loài cá to lớn, hung dữ sống ẩn mình trong các hang, hốc đá dưới làn nước xiết. Với trọng lượng có khi lên đến cả chục, cả trăm kg, hình thù kỳ dị, chuyên ăn thịt động vật và… xác người chết đuối, chúng được người dân sống hai bên bờ gọi là “thủy quái Đà giang”.

“Vương quốc” của các loài cá hiếm

Ông Ngô Văn Tám, (87 tuổi, ở làng chài Tân Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), một lão ngư đã ngót 40 năm rong ruổi chài lưới trên khắp các khe suối, con sông vùng Tây Bắc, kể: “Ngày trước, khi con sông Đà chưa bị ngăn dòng làm thủy điện, nó như con ngựa bất kham, nước chảy sôi ùng ục qua trùng lớp ghềnh thác. Khi đó chuyện bắt được các loài cá quý hiếm, đặc sản như lăng, anh vũ là chuyện thường. Bởi những loài cá này chỉ sống ở những vùng nước chảy mạnh, nhiều hang hốc. Nhưng khó săn nhất có lẽ phải kể đến cá chiên vì có con nặng vài chục kilogam, thậm chí lên đến gần một tạ. Những con đó mới đích thực là “thủy quái Đà giang””.

anh-bai-nghe-san-thuy-quai-1.jpg
Ông Tám và bộ lưỡi câu dùng để săn “thủy quái”

Cũng theo ông Tám thì nghề săn “thủy quái” ở sông Đà có từ rất lâu, khi sông Đà vẫn còn chưa bị xẻ núi, ngăn đập làm thủy điện. Lúc đó, những ngư phủ vừa phải chèo chống với thác ghềnh, vừa phải đánh vật với những con cá lăng, cá chiên lớn cả tạ bằng lao, lưới thô sơ. Bởi vậy, nghề săn “thủy quái” vẫn luôn được coi là nghề nguy hiểm và chỉ dành cho những ai “to gan, lớn mật”. Đối với nhiều người, đi săn tìm loài “cá chúa tể” hung dữ này không chỉ là cái nghiệp nhiều đời truyền lại của gia đình, mà đó còn là cái thú để thỏa mãn đam mê chinh phục sông nước của bản thân.

Đến giờ, trong các câu chuyện mà cánh ngư phủ sông Đà từ Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La), Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc (Hòa Bình) kể đi, kể lại giống như truyền thuyết, thì cá chiên được nhắc đến như một loài “quái vật” chuyên ăn thịt người. Đó là vào đầu những năm 70 thế kỷ trước, mùa lũ nào cũng vậy, dòng sông Đà cuồn cuộn sóng nước, cơ man vũng xoáy nuốt chửng đến vài chục mạng người xấu số. Có xác mắc kẹt ở chỗ nông thì người ta còn tìm vớt được, nếu mắc kẹt ở vách đá, hang hốc dưới lòng sông thì chịu. Nhiều xác bị dòng nước xiết cuốn mạnh, cứ lăn dưới đáy sông, trôi xa vài chục km mới nổi lên…

Đến khi xác người chết đuối bắt đầu bị phân hủy, bốc mùi, bọn “quái vật” cá chiên đánh hơi được, chúng kéo đến hàng đàn xâu xé. Có khi cả chục con đần đẫn như cây chuối, quẫy đạp ủng oẳng biến cả một khúc sông dậy sóng, nước bắn lên cao hàng mét. Trong phút chốc, xác người xấu số hoàn toàn tan biến.

Ông Tám kể, có lần đang đánh cá trên Chiềng San (Mường La, Sơn La), nơi dòng Nậm Chang mang hàng ngàn, hàng vạn mét khối nước tích tụ từ các cánh rừng Yên Bái hung hãn đổ vào sông Đà, ông trông thấy một con cá chiên nổi lên với cái đầu đen trùi trũi, to bè, thân dài ngoằng uốn lượn như quả ngư lôi khổng lồ tiến về phía thuyền.

Biết chắc đụng độ “quái vật”, ông Tám cầm chiếc lao đồng ba ngạnh có nối sợi dây dù với một khúc gỗ dài sẵn sàng… nghênh chiến. Khi con “quái vật” chỉ còn cách thuyền chừng vài sải bơi, ông Tám dùng hết sức bình sinh phi thẳng chiếc lao vào cái lưng to lừng lững. Trúng lao, nó trồi lên, hụp xuống bơi như điên dại kéo theo hàng trăm mét dây dù cùng khúc gỗ chạy vùn vụt trên mặt nước.

Phải mất cả buổi chiều hôm đó, ông Tám cùng gần chục bạn chài đánh vật mãi mới “dìu” được “quái thú” lên bờ. Nó nặng 84kg, chiếc hàm được banh rộng ra có thể nhét vừa cái phích nước. Khi mổ bụng con “quái thú” này, trong dạ dày vẫn còn vài mẩu vụn quần áo chưa được tiêu hóa hết. Người ta đoán, nó vừa “chén” một ai đó.

Trong suốt mấy chục năm làm nghề chài lưới dọc sông Đà, ông Tám nhiều lần chứng kiến cũng như nghe các bạn chài kể về chuyện nơi này, nơi kia bắt được cá nặng 70, 80kg, thậm chí có con lên đến cả tạ. Phần lớn chúng sống ở các vùng nước xoáy. Chỉ cần một lái đò non nớt bị lật thuyền hay một tay bơi “nghiệp dư” nào đuối nước bị lũ cuốn trôi cũng đều là miếng mồi ngon, là “bữa tiệc” thịnh soạn cho lũ “quái vật”.

Có thời, hầu hết những xác người chết đuối được cánh ngư phủ chuyên nghề săn cá lớn trên đầu nguồn sông Đà vớt lên, đều không còn nguyên vẹn hình hài. Người mất đầu, mất chân, tay, người thì chỉ còn một nắm bùng nhùng xương thịt trong tấm áo, quần rách bươm không thể nhận dạng.

Đến tận bây giờ, người ta vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về cái chết đau lòng của Tần A Tháy (SN 1970, ở Song Pe, Bắc Yên, Sơn La) vào năm 1985. Hôm đó, Tháy đang tắm sông cùng hai đứa bạn cùng bản thì bất ngờ lũ tràn về. Hai người bạn tắm gần bờ, nhanh chân chạy thoát, còn Tháy bị dòng nước xiết cuốn đi. Vừa lúc đó, một con cá chiên khổng lồ lượn lờ lao theo bóng Tháy vùng vẫy. Sau đó, dân làng mất hàng tuần giăng lưới trùng trùng, lớp lớp suốt một đoạn sông dài hàng chục km mà vẫn không tìm thấy xác. Gia đình đành đắp một nấm mộ ở vị trí Tháy tắm, và cũng lấy ngày cậu bị lũ cuốn trôi làm ngày giỗ hàng năm.

anh-bai-nghe-san-thuy-quai-2.jpg
Anh Quàng Văn Tấn: “Cá “khủng” trên sông Đà giờ cực hiếm”

Nguy cơ tuyệt diệt

Ngày trước, cánh ngư phủ, thợ săn “quái vật” sông Đà chủ yếu dùng các phương tiện thô sơ để đánh bắt. Với những chiếc thuyền gỗ độc mộc được trang bị vài mũi lao rèn đúc bằng đồng, thêm khẩu súng bắn tên chế từ súng kíp, người thợ săn như con rái cá phải lặn ngụp, mò mẫm dưới độ sâu hàng chục mét để dò tìm “quái vật” trong các hang, hốc. Đồng nghĩa với việc xác suất thành công trong các cuộc đi săn này cực kỳ thấp. Chỉ những thợ săn lành nghề, tài ba, có sức khỏe hơn người cộng với lòng dũng cảm phi thường mới mong “thu phục” được chúng.

Về sau, những đội thợ săn thiện chiến đến từ khắp các tỉnh lân cận mò lên sông Đà với trang bị ca nô, tàu thuyền hiện đại, thiết bị lặn tân tiến, kíp nổ, mìn tự chế, không chỉ “quái vật Đà giang”, mà ngay cả những loài cá trắm, trôi, mè, chép…, cũng có nguy cơ tuyệt diệt.

Ròng rã suốt mấy tháng trời, không biết có bao nhiêu quả mìn, bao nhiêu tấn thuốc nổ được đám “sát thủ” này thả xuống, xé nát từng mét khối nước sông Đà. “Quái vật” đâu chẳng thấy, chỉ rặt những trôi, trắm, mè, chép nổi lều bều trên mặt nước đen ngòm màu chì. Những người dân Mường, Thái, Mông sống cách đó hàng chục km cũng phải mất mấy tuần hít thở bầu không khí đặc sệt mùi thuốc súng, như vừa trải qua một trận càn của địch thời chiến tranh.

Có dạo, nghe tin đồn “quái vật” xuất hiện ở đoạn Song Khủa (Mộc Châu, Sơn La), “sát thủ” khắp nơi tụ bạ về đây đông như trẩy hội. Ca nô, thuyền máy chạy phành phạch quần thảo suốt ngày đêm, biến cả một quãng sông dài mấy chục km nháo nhào, hỗn loạn.

Ông Tám lắc đầu ngao ngán: “Chục năm về trước, thỉnh thoảng còn thấy nói “quái vật” xuất hiện, giờ người ta dùng kíp điện, mìn nổ ùng oàng cả ngày, đến cá nhỏ cũng chả còn…”.

Theo một số ngư phủ, sông Đà kể từ khi bị đắp đập, ngăn dòng chảy làm thủy điện, có những khúc giống như hồ nước mênh mang, tĩnh lặng. Các loài cá chiên, lăng vốn quen sống vùng vẫy nơi sóng xô ghềnh thác, nay phải lượn lờ trong cái “lồng” tù túng như vậy, chúng càng bị đánh bắt dễ dàng, thuận lợi hơn. Vì thế, các loài cá quý hiếm ở đây dần đi vào danh sách tuyệt chủng, chỉ còn trong sách Đỏ.

“Do bị săn bắt ráo riết, cộng với việc lòng hồ sông Đà tích nước đến cả chục mét nên hiện nay những loài cá chiên, lăng rất hiếm, con to thì càng hiếm. Giờ muốn bắt được cá khủng phải đi thuyền ngược sông cả chục cây số lên khu vực Nậm Nhùn (Lai Châu) hoặc có khi xuôi thuyền xuống tận Quỳnh Nhai (Sơn La) may ra mới có”, anh Quàng Văn Tấn ở Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), một người từng có nhiều năm lăn lộn, mưu sinh dọc sông Đà chia sẻ.

Ngoài ra, cũng bởi những lời đồn thổi về sự hung dữ bậc nhất trong các loài cá nước ngọt, nên “anh hùng hảo hán” khắp nơi đều muốn chinh phục “quái vật Đà giang”, như một cách để thể hiện cái niềm đam mê, chứng tỏ tài “sát cá”, đẳng cấp của mình. Nhiều khi họ bỏ ra hàng trăm triệu mua sắm đồ nghề, săn cho kỳ được “quái vật” để ném lên… bàn nhậu. Bởi, theo lời đồn thì những người hay ăn cá chiên, cá lăng thường rất khỏe và sống thọ.

Cũng chính vì thế, người ta đua nhau đổ về các quán cá nằm trải dọc sông Đà về đến tận Việt Trì để tìm ăn cái “trường sinh, bất lão”, dù mỗi kg “quái vật” lên đến vài triệu đồng.

Đứng trước nguồn lợi không hề nhỏ từ những thực khách sẵn sàng trả giá cao để được thưởng thức hương vị vừa bùi, vừa ngậy của cá chiên, lăng, nhiều quán còn thuê hẳn đội thợ săn chuyên nghiệp ngày đêm ráo riết bới từng hang, hốc sông Đà để truy tìm loài cá khổng lồ.

Thời gian gần đây, khi Nhà nước có lệnh cấm đánh bắt cá bằng kích điện, mìn tự chế, thuốc nổ thì các loài cá lớn trên dòng sông này cũng gần như đã cạn kiệt. Lâu lắm rồi không thấy người ta kể ở đâu đó ngư phủ bắt được con cá nào nặng chỉ vài chục chứ chưa nói đến hàng trăm kg.

Có lẽ, chỉ vài năm nữa thôi, loài cá chúa tể hung dữ như những con quái vật trong truyền thuyết cũng sẽ bị tận diệt bởi sự thương mại hóa của con người đã thâm nhập đến tận đáy dòng Đà giang. Câu chuyện mà các lão ngư hay kể về quái vật sông nước và những người thợ săn dũng cảm phi thường cũng sẽ dần trở thành huyền thoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề săn 'thủy quái'