Tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện 28/CĐ-UBND gửi các địa phương và sở, ban, ngành liên quan về việc chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Không để người dân nào bị đói; không để xảy ra chết người.
Thực hiện Công điện trên, trong ngày 30/9, các địa phương vùng lũ tại Nghệ An đã có nhiều hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó trọng tâm là khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản; vệ sinh môi trường; tiêu độc, khử trùng; xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sữa chữa hạ tầng hư hỏng.
Đồng thời kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn; đặc biệt kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.
Tại địa bàn các huyện miền núi phía tây Nam của tỉnh Nghệ An – nơi thiệt hại nặng nề nhất do đợt mưa lũ lần này gây ra như huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu… trời đã bắt đầu tạnh mưa và hửng nắng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương đã huy động các lực lượng và người dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất.
Tính đến ngày 30/9, nhiều bản làng trên địa bàn huyện miền núi vùng cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn bị chia cắt và cô lập do nước lũ chưa rút.
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, cấp ủy, chính quyền xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn – Nghệ An đã huy động gần 100 người dân của 2 bản Lưu Hòa và La Ngan tổ chức khắc phục đoạn đường bị lũ quét trên tuyến đường từ xã Chiêu Lưu vào xã Bảo Thắng.
Tại những điểm sạt lở núi có khối lượng đất đá lớn, xã Chiêu Lưu đã điều động máy móc tổ chức san, gạt thông đoạn đường bị ách tắc.
Theo ông Cụt Thanh Hoài, Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu: “Do tuyến đường Chiêu Lưu vào trung tâm xã Bảo Thắng bị lũ cuốn trôi đứt hẳn cả một đoạn đường khoảng hơn 100 mét, xã phải vận động xin mượn đất 1 hộ gia đình tại bản Lưu Hòa để làm đường tránh, đề phòng nước xuống người dân có đường đi lại bằng xe máy.”
Còn tại xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn – Nghệ An, 1 trong 2 xã đang bị cô lập hoàn toàn cũng tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trong 2 ngày 29 và 30/ 9 xã đã huy động lực lượng địa phương và người dân tổ chức tháo và di dời toàn bộ tài sản của gia đình ông Xeo Văn Ninh, bản Cha Ca, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất và tu sửa các tuyến đường bị xuống cấp trên địa bàn.
Tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn – Nghệ An, chính quyền xã cũng huy động 200 người dân của 4 bản tổ chức san lấp sửa chữa tuyến đường đi vào xã Bảo Nam.
Theo ông Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn: “Do lũ quét làm tuyến đường liên xã nối Quốc lộ 7A vào trung tâm xã Hữu Lập và Bảo Nam xuống cấp quá trầm trọng, bằng sức người và phương tiện thô sơ xã cũng mới chỉ mở 1 lối mòn nhỏ cho người dân các bản phía trong vận chuyển thực phẩm bằng xe máy để tiếp tế cho 35 hộ dân bản Xốp Thặp còn bị cô lập.”
Tại khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang xuất hiện 2 vết nứt có chiều dài 50m, chiều rộng 30cm, lún sâu gần 1m.
Để kịp thời động viên các lực lượng và người dân khắc phụ hậu quả thiên tai, ngày 30/9, đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra và chia sẻ khó khăn cùng người dân các xã Hữu Lập, Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn.
Đợt mưa lũ vừa qua tại Nghệ An đã gây thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế - xã hội. Đến sáng 30/9, đã có một người chết; 2.267 nhà đang bị ngập, 952 nhà bị cô lập; thiệt hại 2.867ha lúa, 3.945ha hoa màu, 3.888 ha cây công nghiệp, 4.286 ha cây hàng năm; 578 con gia súc và 25.927 con gia cầm bị chết; 40 cống bị cuốn trôi, 8 cầu bị hư hỏng...
Dù các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã triển khai tích cực các phương án khắc phục thiệt hại do thiên tai, mưa lũ và sạt lở đất. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những phương án khắc phục tạm thời, các địa phương cần lắm sự hỗ trợ về kinh phí, máy móc để thông các tuyến đường giao thông bị chia cắt, các bản làng không bị cô lập kéo dài.