Quốc lộ 46C dài hơn 120 km, đi qua địa bàn nhiều xã của 6 huyện, thành thị của tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, hiện nay tình trạng cát rơi vãi dọc đường, nhất là các điểm đấu nối quốc lộ của các bến cát, gây nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Năm 2017, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh lộ 533 và 542 đã nâng cấp và đổi tên thành quốc lộ 46C. Hiện Quốc lộ 46C biến thành nơi cho xe chở cát hoành hành, đặc biệt là đoạn đi qua địa bàn hai huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn. Người dân qua lại đoạn đường này luôn cảm thấy ớn lạnh với nguy cơ tai nạn giao thông rình rập. Xe chở cát phủ bạt không kỹ, làm cho người đi sau hứng chịu bụi với cát bay mù mịt.
Phương tiện vận tải che đậy sơ sài gây rơi vãi dọc đường.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường, các xe chở cát đều che phủ rất sơ sài bởi một tấm vải, khi phương tiện di chuyển với tốc độ cao thì tấm bạt này bị gió thổi phấp phới, vừa bay vừa ...hất cát xuống đường.
Có mặt tại xóm Trường Cửu, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, PV đã xác minh ý kiến phản ánh của người dân là có cơ sở. Xe tải vận chuyển cát, sỏi ra vào liên tục, máy xúc lật và máy múc hoạt động rầm rộ. Các loại xe tải được chất đầy vật liệu có chiều cao vượt gấp đôi thành thùng, không được bọc bạt, che đậy. Cát rơi vương vãi dọc theo chiều dài của tuyến đường liên xã này.
Ngay tại thời điểm PV có mặt tại bến cát của gia đình ông Hòa, cũng là lúc vừa xảy ra một vụ tai nạn giao thông đối với người tham gia giao thông bằng xe máy do bị trầy cát.
Cát rơi vãi trở thành nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông.
Trao đổi với chị H kinh doanh trên dọc tuyến đường này cho biết: “Hàng ngày, lượng xe lưu thông chở vật liệu ra vào tấp nập, các xe chở có ngọn, vượt gấp đôi thành thùng, có xe không được che phủ bạt bịt kín”.
Anh T, một hộ dân sống sát với bến cát tại xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên chia sẻ: “Ở đây, xe cơ giới và các loại máy xúc hoạt động rầm rộ, liên tục. Cát rơi vương vãi khắp nơi, mùa hè thì bụi cát bay tứ tung, mùa đông thì đường ướt trơn trượt do xe vận chuyển cát ướt. Cuộc sống của bản thân và gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Ông Võ Trường Giang trao đổi với phóng viên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Trường Giang – Chi cục trưởng, chi cục quản lý đường bộ 2.3 cho biết: “Về mặt quản lý Nhà nước thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Về công tác duy tu bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của Công ty CP quản lý và xây dựng công trình giao thông 487. Đối với các mỏ cát và bến cát chúng tôi cũng đã có ký cam kết về việc đảm bảo môi trường, không để cát rơi vãi dọc đường, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông”.
“Tuy nhiên, cũng không triệt để được,thực tế vẫn có một số bến cát để rơi vãi dọc đường. Về vấn đề này, tôi thấy việc cấp bến cát, mỏ cát là của chính quyền địa phương. Song, cũng cần có phương án như thế nào chứ cấp mỏ và đấu nối ra quốc lộ nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểmcho người tham gia giao thông ngay tại các điểm đấu nối”, ông Giang cho biết thêm.
Được biết, kinh phí cho công tác duy tu quốc lộ trung bình khoảng 50 triệu đồng/1km. Việc cát rơi vãi dọc đường nhiều như báo chí phản ánh, ông Giang hứa sẽ kiểm tra và giao trách nhiệm cho đơn vị duy tu cũng như chủ các mỏ cát. Hiện nay, chưa có xử phạt phương tiện cũng như các mỏ cát gây rơi vãi.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. |