Phóng sự - Ghi chép

Nghệ An: Lễ cúng rẫy truyền thống của người Khơ Mú

Gia Ân- Lữ Phú 03/10/2023 - 19:54

Tháng 9, tháng 10 dương lịch hàng năm là thời gian đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An bước vào vụ thu hoạch mùa lúa rẫy. Để gặt lúa mới về kho, đồng bào Khơ Mú ở vùng cao phải tổ chức lễ cúng.

Người dân thường gọi là “Lễ cúng rẫy” - một trong những phong tục truyền thống được truyền từ xa xưa thể hiện sự tôn kính các thần linh đã bảo vệ mùa màng của người dân.

Mùa rẫy năm 2023, gia đình ông Moong Phò Châu, bản Huồi Tông, xã Keng Đu, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An phát được 2 vạt rẫy. Gia đình ông chủ yếu trồng nếp nương, giống lúa nếp truyền thống của đồng bào Khơ Mú thường gieo trồng trên các sườn núi dốc.

cung-6.jpg
cung-3.jpg
Lễ cúng được tổ chức ngay ở giữa rẫy lúa

Khi những bông lúa trên rẫy bắt đầu chín vàng, cũng là ngày gia đình ông Châu và người dân bản Huồi Tông, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn tất bật chuẩn bị các sính vật để tổ chức làm phong tục cúng rẫy truyền thống.

Ông Moong Phò Châu, chia sẻ: “Phong tục này nhằm tạ ơn các đấng thần linh cai quản nương rẫy, rừng núi, khe suối và cây cối đã có công bảo vệ, phù hộ cho mùa màng tránh được các loại dịch bệnh, chim, chuột phá hại, mang lại cho người dân mùa màng bội thu, gia súc phát triển”.

cung-7.jpg
cung-5.jpg
Người chủ lễ thường là một thầy mo am hiểu phong tục, thấu đáo các bài cúng và được cho là người có thể liên hệ với thần linh

Theo quan niệm của người Khơ Mú ở các huyện vùng cao Nghệ An, mọi sự vật xung quanh con người đều có linh hồn, có ma, có thần. Do đó, muốn gặt lúa về kho cất trữ thì đồng bào Khơ Mú phải giết gà, mổ lợn cúng tạ ơn thần linh, thổ địa và đất trời đã bảo vệ, cai quản và giúp họ bảo vệ lúa nương. Đồng thời, thông qua lễ cúng rẫy thì thầy mo sẽ mời hồn lúa về nhà.

Trước khi tiến hành gặt lúa, người chủ rẫy chọn một ngày lành để làm phong tục cúng. Thầy mo Moong Phò Dong, bản Huồi Tông, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Lễ cúng rẫy là thủ tục xin gặt lúa mới trên nương rẫy về nhà, về kho, nghi lễ này được tổ chức trước lễ mừng lúa mới. Nếu lễ lúa cơm mới là lễ tạ ơn ông bà, tổ tiên đã khuất, thì lễ cúng rẫy lại là để tạ ơn “ma rẫy”, “thần rừng”, “thần suối”. Địa điểm tổ chức lễ cúng này bắt buộc phải tổ chức ngay tại nương rẫy và phải dùng lúa cũ để cúng, xin lúa mới về, lúc đó mới làm mâm cơm mới cúng tổ tiên sau”.

Trong lễ cúng rẫy của người Khơ Mú, người dân dựng giàn cúng có 2 tầng ngay giữa nương lúa. Trên giàn treo trang trí những chiếc vòng, hình nộm một con ve sầu, tất cả đều bện bằng lạt nứa. Trên giàn cúng tầng thứ nhất là nơi đặt vật cúng gồm: xôi, thịt, cá… còn trên tầng cao nhất là mâm cúng đặt các loại váy áo, vải vóc, đồ trang sức, nén bạc, các dụng cụ làm bẫy chuột… dưới chân giàn có hai vò rượu cần. Người chủ lễ thường là một thầy mo am hiểu phong tục, thấu đáo các bài cúng và được cho là người có thể liên hệ với đấng thần linh...

cung-2.jpg
cung-4.jpg
Trên giàn treo trang trí những chiếc vòng, hình nộm một con ve sầu, tất cả đều bện bằng lạt nứa

Phong tục cúng rẫy của đồng bào Khơ Mú không chỉ nhằm mục đích thờ cúng các thế lực siêu nhiên, mà qua phong tục này còn thể hiện sự đoàn kết, giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong công tác thu hoạch thành quả của một mùa nương rẫy vất vả. Khi những thủ tục của lễ cúng kết thúc cũng là lúc anh em, bạn bè trong cộng đồng bản làng cùng nhau quây quần chung vui bên chum rượu cần, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm trong lao động sản xuất.

“Hôm nay cũng là ngày vui, là ngày làm kho lúa, ngày xin lúa về cất kho, nên ta làm lễ cúng, lễ tạ ơn với thần linh đã giúp dân bản ta có được mùa lúa bội thu. Qua lễ cúng rẫy ta cũng làm mâm cơm mời anh em ăn mừng mùa lúa rẫy mới, cũng là dịp người dân trong bản đổi công, cùng giúp nhau trong lao động sản xuất và thu hoạch lúa, thắt chặt thêm tình đoàn kết bản làng”. Ông Moong Phò Châu chia sẻ thêm.

cung-8.jpg
Sau 3 vòng rượu cần người dân sẽ tiến hành ra gặt lúa lấy ngày giờ tốt, để bắt đầu mùa thu hoạch thành quả

Sau nghi lễ cúng rẫy kết thúc, người dân mới bắt đầu gặt lúa về kho. Điều đó nói nên niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên, đất trời, khe suối và nương rẫy. Với họ đó là những vị thần luôn ấp ôm, che chở, giúp họ có được cuộc sống đủ đầy, mùa màng bội thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Lễ cúng rẫy truyền thống của người Khơ Mú