Từ những thứ bỏ đi, được coi là rác thải, các chi hội phụ nữ ở huyện miền núi Con Cuông – Nghệ An đã có sáng kiến biến chúng thành sản phẩm thiết thực, thành tiền, gây quỹ hỗ trợ các hội viên. Đó là mô hình "biến rác thải thành tiền" đem lại kết quả thiết thực, góp phần xử lý rác sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ
Đã thành thói quen, cứ 8h30 sáng chủ nhật tuần đầu tiên của tháng, Chi hội phụ nữ bản Cằng xã Môn Sơn, huyện Con Cuông – Nghệ An lại tổ chức sinh hoạt một lần. Những dịp này, nhà văn hóa bản lại nhộn nhịp, rôm rả như hội. Đúng giờ, không ai bảo ai, từ các hướng, từng nhóm chị em với nhiều bao, túi tập trung đông đủ. Họ vừa đến dự sinh hoạt vừa để cân, bán rác.
Sân nhà văn hóa trở thành nơi tập kết rác nhựa, giấy hoặc vỏ lon... đã được phân loại cẩn thận từ các gia đình. Đại lý mua phế liệu tiến hành cân từng loại rác. Người gom được nhiều thì 1 trăm nghìn đồng, người ít cũng được vài chục nghìn. Số tiền này được gom lại làm quỹ chi cho các hoạt động hội, đặc biệt là để giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn.
Chị Vi Thị Huyền - người dân bản Cằng xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, chia sẻ: “Trong nhà tôi, chai nhựa, bọc ni lông, lon bia thường vứt lung tung, thấy ô nhiễm nên tôi đã thu gom lại, góp cho chị em phụ nữ bán lấy tiền để giúp đỡ những hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ trong bản”.
Mô hình “biến rác thải thành tiền” giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn là một trong chuỗi hoạt động của ngày Chủ nhật xanh do Hội liên hiệp phụ nữ xã Môn Sơn triển khai bắt đầu từ năm 2019, được thực hiện theo cách thức khá giản đơn và đã thu hút đông đảo chị em hội viên tham gia. Để mô hình đi vào hoạt động và đạt hiệu quả, Hội liên hiệp phụ nữ xã Môn Sơn đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên cách phân loại rác thải và xử lý rác.
Các loại rác có thể tái chế được như chai nhựa, bao bì thu gom riêng để bán phế liệu, sau đó vận động hội viên hàng tháng, quý khi tổ chức sinh hoạt chi, tổ hội, sẽ mang phế liệu đến các điểm tổ chức sinh hoạt để liên hệ người mua phế liệu đến thu mua. Số tiền sau khi quyên góp được sẽ được ghi chép rõ ràng.
Mặc dù số tiền đóng góp từ mô hình này không nhiều lắm, nhưng đã xử lý rất hiệu quả về môi trường và giúp đỡ một số chị em hội viên trong lúc ốm đau, bệnh tật cũng như mua con giống phát triển chăn nuôi. Với ý nghĩa đó, đầu năm 2020, mô hình “biến rác thành tiền” đã được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn xã, thu hút hàng trăm hội viên tham gia đóng góp.
Mang lại hiệu quả rất thiết thực, hữu ích
Chị Vi Thị Thuận - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Môn Sơn, Con Cuông, cho biết: “Từ khi thực hiện cuộc vận động 5 không, 3 sạch do Trung ương Hội phát động đã gắn kết tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí xây dựng môi trường về cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, Hội liên hiệp phụ nữ có ý tưởng tập hợp chị em lại duy trì vận động thành lập được mô hình “biến rác thành tiền”. Với nội dung trên, các rác thải ở hộ gia đình được đem lại tập hợp bán gây nguồn quỹ để đi thăm hỏi các chị em có hoàn cảnh khó khăn, lúc ốm đau hoạn nạn, đồng thời giúp các hộ nghèo mua con giống. Tuy số tiền mang lại không lớn, nhưng giúp chị em có thêm niềm tin và hi vọng…”.
Từ khi được tuyên truyền thực hiện mô hình “biến rác thành tiền”, chị Vi Thị Duyệt ở bản Thái Hòa, xã Môn Sơn, Con Cuông không ngờ rằng giờ đây chính bản thân chị cũng nhận được số tiền hỗ trợ từ mô hình này. Là một hộ nghèo của bản, nhận thấy gia cảnh của chị Duyệt quá khó khăn, Chi hội phụ nữ bản đã tích góp được số tiền từ chương trình “biến rác thải thành tiền” mua cho chị 1 con bò giống trị giá 10 triệu đồng để chăn nuôi phát triển kinh tế. Qua đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái tăng cường sự đoàn kết giữa các hội viên.
Chị Vi Thị Duyệt phấn khởi chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, muốn phát triển kinh tế cũng không có tiền để mua con giống, nhờ chị em hỗ trợ giúp đỡ tôi đã mua được con bò giống, từ đây gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc để phát triển kinh tế…”.
Mô hình biến rác thải thành tiền để hỗ trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành phong trào có tính nhân văn sâu sắc, tác động, lan tỏa mạnh mẽ và mang lại hiệu quả rất thiết thực. Sau khi phong trào này được nhân rộng ra nhiều địa phương, trong năm 2023, toàn huyện Con Cuông đã có hơn 30 mô hình, thu gom hàng nghìn cân phế liệu, bán được hơn 100 triệu đồng, tặng nhiều con giống, trao 38 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mua sách vở và 77 thẻ bảo hiểm cho các hội viên nghèo.
Chị Lữ Thị Khuyên - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Con Cuông, cho biết thêm: ““Biến rác thành tiền” là một cách làm hay, hiệu quả của nữ giới, không chỉ lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái gắn bó giữa các hội viên phụ nữ theo phương châm "không để chị em nào bị bỏ lại phía sau”, mà còn góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp, hạn chế tình trạng xả rác thải trong khu dân cư. Đồng thời, góp phần giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong toàn xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc”.