Ngày thứ 7 phiên xét xử bầu Kiên: Số tiền thiệt hại 718 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về ACB

27/05/2014 16:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 27-5, ngày thứ 7 phiên xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Bầu Kiên bị đề nghị 30 năm tù cho 4 tội danh

Với những hành vi phạm tội được làm rõ trong cáo trạng, đại diện VKS giữ quyền công tố đề nghị áp dụng hình phạt đối với Nguyễn Đức Kiên mức án từ 18-24 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép” và xử phạt từ 25-30 triệu đồng, tuyên tịch thu sung quỹ số tiền kinh doanh trái phép; đề nghị mức án từ 4-5 năm tù về tội "Trốn thuế," truy thu hơn 24 tỷ đồng và đề nghị Tòa tuyên phạt từ 2 đến 3 lần số tiền thuế đã trốn; đề nghị phạt từ 16-18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; từ 14-15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Ngày thứ 7 phiên xét xử bầu Kiên: Số tiền thiệt hại 718 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về ACB

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sáng nay (Ảnh: TTO)

Tổng hợp hình phạt chung đề nghị mức án đối với bị cáo Kiên là 30 năm tù. Đồng thời, VKS cũng đề nghị Tòa tuyên cấm bị cáo Nguyễn Đức Kiên đảm nhiệm các chức vụ có liên quan từ 3-5 năm.

Đối với các bị cáo còn lại, VKS đã đề nghị mức án đối với bị cáo Trần Ngọc Thanh là từ 9-10 năm tù, Nguyễn Thị Hải Yến từ 7-8 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Lý Xuân Hải bị đề nghị từ 12-14 năm tù và hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm điều hành, quản lý tổ chức tín dụng; Lê Vũ Kỳ từ 7-8 năm tù; Trịnh Kim Quang từ 6-7 năm tù; Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn cùng bị đề nghị mức án 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.

Trước đó, trong bản luận tội, đại diện VKS cho rằng, việc VKSNDTC truy tố Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về các tội danh như trên là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng pháp luật.

Về hành vi kinh doanh trái phép, mặc dù tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra, Nguyễn Đức Kiên cho rằng bị cáo không kinh doanh vàng mà kinh doanh giá vàng. Song, VKS cho rằng có đủ cơ sở kết luận, hành vi kinh doanh trạng thái vàng và kinh doanh cổ phiếu đã phạm vào tội “Kinh doanh trái phép”.

Về hành vi trốn thuế, việc chuyển hồ sơ ủy thác là trá hình nhằm chuyển lợi nhuận sang cho Hương.

Về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tại Tòa, bị cáo Kiên cho rằng Hòa Phát đã biết thông tin và đã có đề nghị phong tỏa. Nhưng, VKS xác định, lời khai không có căn cứ vì trước khi thương thảo và ký hợp đồng, Hòa Phát không biết có cổ phần bị thế chấp. Biên bản họp Hội đồng quản trị được xác định không đúng quy định.

Đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên, trong 3 tội danh, bị cáo đều là người chủ mưu, chủ đạo, giữ vai trò chính, với số tiền đặc biệt lớn. Với tội cố ý làm trái, Nguyễn Đức Kiên có vai trò quan trọng trong Ngân hàng ACB. Kiên cũng thừa nhận phần lớn các ý kiến của Kiên sau đó đều trở thành Nghị quyết của ACB. Sau năm 2008, dù không còn giữ chức vụ song vẫn chi phối hoạt động ACB. Nhiều Nghị quyết của ACB là ý kiến cá nhân của Nguyễn Đức Kiên.

Quá trình điều tra cũng như tại phiên toà, bị cáo đều chối tội, ngoan cố không thành khẩn khai báo. VKS xét thấy cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian dài với mức án như đề nghị.

Ủy thác gửi tiền vào VietinBank, gây thiệt hại 718 tỷ 908 triệu đồng

Một vấn đề “nóng” tại phiên tòa này được dư luận quan tâm, đó là số tiền 718 tỷ 908 triệu đồng của ACB bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.  Tại phiên tòa, vấn đề này đã được làm rõ.

Ngày 22/3/2010, ACB tổ chức họp thường trực HĐQT có sự tham gia của Hội đồng sáng lập ACB là Trần Mộng Hùng - Chủ tịch và Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kiểm soát, Hội đồng tín dụng, Hội đồng đầu tư và Huỳnh Quang Tuấn - thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc ACB để bàn phương án sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư của ACB. Tại cuộc họp, ông Hùng có đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực về lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được nhưng Nguyễn Đức Kiên không đồng ý và Kiên chỉ đạo không được làm giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB. Lý Xuân Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên ACB mang tiền của ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm hoa hồng khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi. Đề xuất của Lý Xuân Hải được Nguyễn Đức Kiên đồng tình, sau đó trên cơ sở đồng tình của Nguyễn Đức Kiên, các thành viên của Thường trực HĐQT là Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất ký tên vào biên bản họp thường trực HĐQT ngày 22/3/2010 với nội dung đồng ý về việc ủy thác cho các cá nhân gửi tiền VND và USD vào các tổ chức tín dụng. Giao Tổng Giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, ủy quyền cho kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác.

Thực hiện nghị quyết nêu trên, từ ngày 27/6 đến ngày 5/9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo cho Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa ủy thác số tiền 718 tỷ 908 triệu đồng cho 19 nhân viên ACB để gửi tiết kiệm vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và VietinBank chi nhánh TP.HCM tại PGD chi nhánh Nhà Bè và PGD Điện Biên Phủ. Thời hạn gửi tiền từ 3-6 tháng với lãi suất ghi trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng từ 3,7 - 13%/năm.

Sau khi nhận được ủy thác, 17 nhân viên ACB đã ký hợp đồng gửi tiền tại VietinBank chi nhánh TP.HCM tại PGD Điện Biên Phủ với số tiền là 668 tỷ 908 triệu đồng. 2 nhân viên ACB ký hợp đồng gửi tiền tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè số tiền là 50 tỷ đồng. Nhưng toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh thị Huyền Như - Quyền trưởng PGD Điện Biên Phủ thuộc VietinBank TP.HCM lợi dụng sự thiếu sót, sơ hở của ACB trong việc quản lý thẻ tiết kiệm, kiểm soát số tiền gửi, dùng các thủ đoạn gian đối để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo cho rằng biên bản cuộc họp ngày 22/3/2010 của thường trực HĐQT không trái quy định pháp luật; việc ủy thác cho 19 cá nhân gửi tiền vào VietinBank theo các hợp đồng tiền gửi là đúng quy định; việc Huỳnh Thị Huỳnh Như chiếm đoạt số tiền trên do lỗi của VietinBank, không thuộc trách nhiệm của ACB; VietinBank phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã gửi thông qua 19 cá nhân nói trên.

Tuy nhiên, theo đại diện VKS, lý lẽ mà các bị cáo đưa ra là không có cơ sở.

Vì sao VietinBank không phải chịu trách nhiệm?

Ngày thứ 7 phiên xét xử bầu Kiên: Số tiền thiệt hại 718 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về ACB

Đại diện VKS nêu quan điểm tại toà. (Ảnh: Việt Dũng)

Tại phiên tòa sơ thẩm, qua lời khai của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện VKS cho rằng: Thứ nhất, tại thời điểm thường trực HĐQT ACB thống nhất chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng đã trái với đối tượng nhận ủy thác theo quy định tại Điều 2 quy định về ủy thác và nhận ủy thác cho vay vốn của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 742 ngày 17/7/2002 của Thống đốc NHNN. Theo đó, bên nhận ủy thác chỉ có thể là các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng có chức năng cấp tín dụng dưới hình thức cho vay vốn theo quy định của pháp luật. Không có quy định nào cho phép bên nhận ủy thác là cá nhân.

Thứ hai, thời điểm ACB ủy thác cho 19 cá nhân gửi tiền vào VietinBank là thời điểm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực. Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý ủy thác trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của NHNN. Đến ngày 8/3/2012, NHNN mới ra Thông thư 04 hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác, cho phép ngân hàng được ủy thác gửi tiền. Trong khi NHNN chưa hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác nhưng từ ngày 27/6 đến 5/9/2011, ACB đã ủy thác cho các cá nhân của ACB đem gửi tiền của ACB vào VietinBank là trái với quy định trên. Điều này cũng được NHNN xác định tại Công văn số 350 ngày 17/5/2012 như sau: Việc ACB thực hiện nghiệp vụ ủy thác đối với 19 nhân viên của ACB khi chưa có hướng dẫn của NHNN là vi phạm quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Mặt khác, theo nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần của ACB trong các năm 2010, 2011 thì ACB chỉ được tiếp nhận vốn ủy thác, không có chức năng ủy thác cho vay hay ủy thác gửi tiền. Việc ủy thác gửi tiền trên cũng đã vi phạm vào Khoản 2 Điều 4, khoản 1 Điều 90, Điều 107 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Vì vậy, có thể khẳng định chủ trương cho ủy thác và thực hiện ủy thác cho 19 cá nhân gửi tiền tại VietinBank của ACB là trái quy định của pháp luật và các văn bản liên quan.

Đó là chưa nói đến quá trình thực hiện ủy thác cho 19 nhân viên ACB để gửi tiết kiệm vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và VietinBank Chi nhánh TP.HCM của ACB có nhiều sai phạm như: ACB thỏa thuận hợp đồng lãi suất cao, trái Thông tư 02 ngày 3/3/2011 của NHNN. Toàn bộ việc giao dịch gửi tiền của 17 nhân viên ACB tại PGD Điện Biên Phủ đều do Huỳnh thị Bảo Ngọc - Phó phòng quản lý Quỹ và Huỳnh Thị Ngọc Ánh - Phó phòng kế toán ACB thực hiện với Huỳnh Thị Huyền Như nhưng không nhận và quản lý các thẻ tiêt kiệm và phó mặc cho Như giữ thẻ tiết kiệm, không theo dõi, quản lý số dư trên tài khoản, không nhận giấy báo nợ có để đối chiếu và cũng không có ý kiến với VietinBank về tiền trên tài khoản thanh toán của mình bị trích chuyển tới các tài khoản khác không có quan hệ. Việc này dẫn tới hậu quả là đã bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng các thẻ tiết kiệm để làm tài sản thế chấp, vay tiền, ký giả các chữ ký của ACB trong hồ sơ vay tiền và các lệnh chi tiền để chuyển tiền, chiếm đoạt số tiền nêu trên.

Bản thân Huỳnh Thị Huỳnh Như tại phiên tòa này cũng đã khai là Như có ý định lừa đảo từ trước, số tiền trả chênh lệnh lãi suất của Như không phải là tiền của VietinBank mà là của cá nhân Như. 19 nhân viên ACB thực chất chỉ đứng tên hộ ACB nên họ không có trách nhiệm với hợp đồng tiền gửi đã ký kết. Do đó, trách nhiệm chính thuộc về ACB, số tiền 718 tỷ đồng đã bị Như chiếm đoạt do hậu quả từ việc làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của chính ACB.

Nhóm PV Pháp đình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày thứ 7 phiên xét xử bầu Kiên: Số tiền thiệt hại 718 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về ACB