Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Nghị quyết đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của PVN...
PVN đóng góp hàng năm 10-13% GDP cả nước
59 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực không ngừng góp phần xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam ngày càng lớn mạnh, củng cố vị trí, vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, PVN đã đạt được nhiều kết quả kinh doanh đáng khích lệ như: Nộp ngân sách Nhà nước hằng năm chiếm tỷ trọng 9 - 11% tổng thu ngân sách và chiếm 16,5 - 17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô chiếm 5 - 6% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và 7 - 9% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm 10 - 13%...
Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Nguồn ảnh: PVN
Một điều dễ nhận thấy là PVN đang đặt nền móng cho kinh tế vùng với hàng chục dự án, nhà máy công nghiệp của ngành Dầu khí như Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất,Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2... đều được đặt ở những vùng trũng của nền kinh tế nước ta mà không phải là những thành phố lớn, những tỉnh, thành giàu có, thuận lợi về giao thông, kinh tế hay chính trị.
Đơn cử như trước khi có NMLD Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi là một trong số các tỉnh có tiền thu ngân sách thấp nhất khu vực miền Trung. Khi có công trình dầu khí, tỉnh đã có hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế mỗi năm. Với “lưng vốn” ấy, tỉnh Quảng Ngãi đã có điều kiện để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi về điện - đường - trường - trạm cho người dân. Tiếp đến, dự án đã đưa về một nguồn nhân lực hàng đầu của ngành Dầu khí, hỗ trợ và đào tạo hàng ngàn kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, tạo ra hàng loạt các doanh nghiệp dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ tại địa phương phục vụ NMLD Dung Quất.
Tăng trưởng kinh tế tại Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả vượt bậc, cụ thể GDP của toàn tỉnh năm 2005 đạt 11,7% với nguồn thu ngân sách chỉ đạt 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2016, tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 22,66 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ NMLD Dung Quất chiếm hơn 90%. Và nói như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ trong một buổi làm việc với BSR vào tháng 4/2018: “BSR đã giúp Quảng Ngãi chuyển mình từ một tỉnh thuần nông thành một tỉnh công nghiệp".
Nơi đất mũi xa xôi ở cực Nam của Tổ quốc, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất U Minh anh hùng, tạo dấu ấn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Cà Mau phát triển, đóng góp hằng năm gần 30% ngân sách cho Cà Mau, góp phần thay đổi diện mạo cho nền kinh tế của vùng.
Gần đây nhất là dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD, tập trung hàng ngàn chuyên gia, kỹ sư trên khắp thế giới. Kể từ khi dự án được triển khai đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương, đối với từng gia đình tại đây.
Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về Chiến lược biển
Từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn hoạt động trên cơ sở chủ trương Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ,ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương và nhân cả nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, Tập đoàn đã trụ vững và tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được vinh danh là doanh nghiệp đứng đầu trong Bảng xếp hạng Profit500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018.
Dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí đã trở thành ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, tạo tiền đề phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Sự phát triển của ngành dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biển cũng như bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như nông nghiệp (phân bón), hóa dầu như nhựa và sản phẩm tiêu dùng chất dẻo, nguyên liệu xuất xứ nội địa cho các ngành dệt may, da giày, các sản phẩm hóa chất… và đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách Nhà nước. Bất cứ quốc gia nào cũng đều nắm giữ những phần cốt lõi và có Luật Dầu khí cho Công ty Dầu khí Quốc gia của họ - vì là ngành kinh tế đặc biệt nên phải có cách ứng xử đặc biệt riêng đối với dầu khí. Bên cạnh đó, các nước còn xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ hoàn chỉnh cho toàn chuỗi giá trị, chứ không riêng lĩnh vực hợp tác đầu tư trong thăm dò khai thác dầu khí.
Tại một cuộc tọa đàm mới đây, Thành viên HĐTV PVN Phạm Xuân Cảnh đã chia sẻ định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới của Tập đoàn. Trong đó, Tập đoàn tiếp tục phát triển theo 5 lĩnh vực theo đúng tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, trong đó xác định lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Hiện tại, PVN đang nỗ lực tập trung tái cấu trúc toàn diện các mặt hoạt động của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. Bản thân Tập đoàn nhận thức việc Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược kinh tế biển sẽ là cơ hội, động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí trong đó PVN giữ vai trò mũi nhọn của ngành kinh tế biển.
PVN hiện có số lượng lao động trên 60.000 người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Trong đó, trên 5.500 người có trình độ trên đại học, trên 25.000 người có trình độ đại học và cao đẳng, trên 25.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với liên kết công nghệ thực và ảo, tự động hóa với dây chuyền sản xuất thông minh đang được đánh giá là có thể tạo đột phá cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Điều này cũng đòi hỏi sự đổi mới tư duy trong quản lý và điều hành thực sự xem khoa học và công nghệ là công cụ quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Chính vì thế, PVN đã xác định rằng, trong thời điểm hiện nay, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc PVN theo hướng bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu trung hạn và dài hạn; tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư vào các dự án sinh lợi cao và nhanh, xây dựng chuỗi giá trị dầu khí hoàn chỉnh theo Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế, đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp của PVN và các doanh nghiệp thành viên theo chuẩn quốc tế phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0, trong đó cần cơ cấu lại cấu trúc sản phẩm theo hướng tăng tỷ phần sử dụng dầu khí làm nguyên liệu và giảm tỷ phần làm nhiên liệu; ưu tiên phát triển công nghiệp khí hoàn chỉnh, vì khí thiên nhiên là dạng năng lượng sạch, hiệu quả sử dụng cao, ít gây hiệu ứng nhà kính.
Bên cạnh đó, ngành Dầu khí cũng sẽ quyết liệt có những thay đổi trong quản lý, quản trị doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực vận hành, điều khiển các thiết bị, nhà máy, có thể kiểm soát, quản lý được các quy trình công nghệ liên quan. Và hơn thế, ngành Dầu khí đang rất cần cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp với giai đoạn phát triển mới để phát triển bền vững.