Ngăn chặn kịp thời người tham gia giao thông chống người thi hành công vụ

09/05/2012 10:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lực lượng Công an, nhất là cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm việc với dân như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông đang ngày càng phải đối mặt với những hành vi chống đối của những đối tượng quá khích.

Vấn đề này cần nhìn ở nhiều góc độ để có biện pháp ngăn chặn có hiệu qủa.

Diễn biến phức tạp

Clip một cô gái tát vào mặt một cảnh sát giao thông (CSGT) ở Tp. Hồ Chí Minh khi chiến sỹ này tuýt còi chiếc xe kẹp 3 và người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm mới đây lại gây xôn xao dư luận.

Vào tháng trước, Trung úy Nguyễn Mạnh Phan (Đội CSGT Công an huyện Ba Vì, Hà Nội) phát hiện chiếc xe khách vi phạm luật giao thông đã ra hiệu dừng xe kiểm tra. Tài xế không những không xuất trình giấy tờ còn nhảy lên buồng lái, điều khiển xe đâm thẳng vào Trung úy Phan đang đứng trước xe ô tô, khiến Trung úy Phan phải bám đu vào cần gạt nước của chiếc xe này...

Tội phạm chống người thi hành công vụ tăng tương đối nhiều, đặc biệt là chống lại lực lượng CSGT chiếm một tỷ lệ cao”, PGS.TS, Đại tá Nguyễn Văn Lan, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết.

Còn Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết tình trạng chống đối CSGT đang làm nhiệm vụ trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp.

Hành vi chống người thi hành công vụ, đặc biệt là cảnh sát gia tăng làm ảnh hưởng tính thượng tôn của pháp luật, gây mất trật tự, an ninh xã hội.

Ngăn chặn kịp thời người tham gia giao thông chống người thi hành công vụ

Đối tượng áo thun sọc bị bắt vì chống người thi hành công vụ (Ảnh: NLĐ)

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lan, có 3 nguyên nhân dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ. Thứ nhất là đặc điểm công việc của người thi hành công vụ thường xuyên tiếp xúc và ảnh hưởng đến lợi ích (bất hợp pháp) của người dân dẫn đến xung đột. Thứ hai là trong quá trình thi hành nhiệm vụ có một số cán bộ, chiến sỹ chưa thực hiện nghiêm quy trình, chuẩn mực công tác dẫn đến việc người dân chống lại. Thứ ba là quy định pháp luật chưa nghiêm, đặc biệt là khung hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ còn nhẹ.

Ở khía cạnh khác, Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền Luật Giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết chế tài xử phạt vi phạm giao thông, đặc biệt là khu vực nội đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh tương đối cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng. Theo ông Sơn, đối tượng vi phạm luôn tìm cách trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng và khi trốn tránh không được thì quay ra cản trở, thậm chí hành hung CSGT.

Các giải pháp ngăn chặn

Để hạn chế tội phạm chống người thi hành công vụ, đặc biệt là CSGT và đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi pháp luật, Thượng tá Trần Sơn cho biết ngành đã tập huấn cho mỗi cán bộ, chiến sỹ nắm vững chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát phải thực hiện đúng quy định, CSGT phải đảm bảo được đội hình, hỗ trợ cho nhau. Lực lượng CSGT phải chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ chống lại người thi hành công vụ. Có người cho rằng cần phải nâng cao mức hình phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ bởi hình phạt hiện nay còn nhẹ.

Tỏ ra thận trọng hơn, Thiếu tướng Đặng Thái Giáp, Cục trưởng Cục công tác Chính trị- Tổng cục xây dựng lực lượng Bộ Công an cho rằng ngành Công an cần phải có một đề án nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này, trong đó cần làm rõ nguyên nhân việc chống người thi hành công vụ.

Nhằm khắc phục nguyên nhân chủ quan có thể liên quan đến các hành vi chống người thi hành công vụ, ngành Công an đang tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”.

Thiếu tướng Đặng Thái Giáp cho biết, cuộc vận động tập trung vào những lực lượng thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Ý nghĩa của cuộc vận động nhằm nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ, chiến sỹ, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội, qua đó góp phần hạn chế hành vi chống người thi hành công vụ.

Thay đổi thái độ ứng xử

Đứng ở góc độ xã hội, Tiến sĩ xã hội học Đỗ Thị Vân Anh - Đại học Công đoàn lý giải thực tiễn cũng cho thấy, những ai vi phạm giao thông mà có người quen thì đều giải quyết được. Một trong những nguyên nhân, theo bà Vân Anh, đó là do hệ thống những người kiểm soát giao thông cũng chưa hề nghiêm túc trong việc xử phạt người tham gia giao thông.

“Và khi người vi phạm thấy việc mạo nhận con cháu quan chức mà mang lại hiệu quả cho họ thì đương nhiên họ cứ làm theo thôi”, Tiến sĩ Vân Anh nói. Theo bà Vân Anh, phạt chỉ là biện pháp cuối cùng và mức phạt phải tương xứng với nhiều vấn đề xã hội khác. Điều quan trọng nhất ở đây là hệ thống xử lý phải nghiêm và hành xử của CSGT phải thật chuẩn. Nhìn nhận tổng thể một cách khách quan, việc người vi phạm chống đối lại lực lượng thi hành công vụ có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về  phía những người thực thi công vụ, nhiều trường hợp, một bộ phận lực lượng Công an đã có cách hành xử, thái độ, giao tiếp chưa chuẩn mực với người tham gia giao thông.

Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hoá - du lịch (Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), cho rằng nhiều CSGT đang rất kém trong khâu ứng xử và giao tiếp với người dân .

Theo ông: “Trong mọi trường hợp, CSGT không được nổi nóng, văng tục, phải nghĩ mình đang làm nhiệm vụ chứ không phải quan hệ tay đôi với dân. CSGT phải giải thích để người ta hiểu, lần sau không vi phạm.

CSGT nên đặt mình vào người vi phạm, phải hiểu chính mình cũng có khi cũng tuỳ tiện vi phạm. Tính tuỳ tiện của dân mình rất cao, lại ưa nghe lời nói nhẹ nhàng, ai nặng lời họ cho là xúc phạm, nên không nghe. Vì thế, người thi hành phải nói năng lịch sự, mềm mỏng. Đối với người cộc cằn, thô lỗ, có biểu hiện chống cự mới phải tỏ thái độ kiên quyết nhưng cũng không được xúc phạm”.

Tính từ năm 2011 đến hết tháng 2-2012, cả nước xảy ra 56 vụ chống CSGT, làm 18 cán bộ, chiến sỹ bị thương. Lực lượng Công an cũng đã bắt 63 đối tượng giao cho CQĐT xử lý. Số vụ chống CSGT trong 2 tháng đầu năm 2012 tăng 5 vụ so với cùng kỳ. Riêng Hà Nội xảy ra 27 vụ (48,2% số vụ trên toàn quốc), trong đó có 2 vụ cố ý gây thương tích.

Minh Khuê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn kịp thời người tham gia giao thông chống người thi hành công vụ