Ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật

Thảo Nguyên| 03/01/2023 16:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thống kê, các cuộc tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến năm 2022 tăng 44.2% so với năm 2021, phương thức chủ yếu là giả mạo thương hiệu.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng trong thời gian qua trở nên phổ biến hơn. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, đối tượng lừa đảo đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dân hoặc giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật

Lừa đảo trực tuyến gây nhức nhối xã hội

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn Thông tin, Bộ TT&TT cho biết, theo thống kê, các hình thức lừa đảo trực tuyến chủ yếu là giả mạo thương hiệu (72,6%); giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến (11,4 %).Các hình thức khác như lừa đảo trúng thưởng, việc làm trực tuyến, ứng dụng cho vay chiếm khoảng 16% còn lại. Các đối tượng thường lập website/blog giả mạo, thư điện tử giả mạo, giả mạo cá nhân qua tài khoản trực tuyến.

Theo Bộ TT&TT, người dân Việt Nam dùng Internet nhiều (trung bình 7 tiếng/ngày). Trong khi đó, một số người nhẹ dạ, cả tin, nhận thức về an toàn thông tin còn hạn chế; Nhiều người ham trúng thưởng, khuyến mại nên mắc phải bẫy lừa đảo trực tuyến. 

Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã có nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng. Theo Cục An toàn thông tin, năm 2022, Cục đã điều phối ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Trong đó, có 1.342 trang website lừa đảo trực tuyến, 986 trang web/blog vi phạm pháp luật; Bảo vệ 4,33 triệu người dân, tương đương 6,8% người dùng Internet Việt Nam không truy cập website lừa đảo.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cung cấp công cụ tra cứu lừa đảo trực tuyến trên cổng khonggianmang.vn. Các tổ chức, cá nhân có thể truy cập vào cổng thông tin này để tra cứu hoặc phản ánh tới cơ quan chức năng về những trường hợp nghi ngờ lừa đảo trực tuyến.

Để phòng tránh lừa đảo, các chuyên gia khuyến nghị người dùng cần nâng cao cảnh giác, áp dụng triệt để nguyên tắc: "không tin tưởng, luôn xác minh lại". Mỗi khi nhận được 1 tin nhắn hay cuộc gọi thì không vội tin ngay, nên xác minh lại trực tiếp với thông tin liên lạc công khai của các tổ chức có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật