Thông tin trên được bà Nakamitsu Izumi, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị, cho biết tại cuộc họp trực tuyến theo thể thức Arria về chủ đề Ổn định không gian mạng, ngăn ngừa xung đột và tăng cường năng lực.
Sáng 22/5, Estonia - nước Chủ tịch luân phiên tháng 5/2020 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), cùng với Bỉ, Cộng hòa Dominicana, Indonesia, Kenya đã tổ chức cuộc họp trực tuyến theo thể thức Arria về chủ đề Ổn định không gian mạng, ngăn ngừa xung đột và tăng cường năng lực.
Tham dự cuộc họp có khoảng 50 nước, trong đó có Thủ tướng Estonia phát biểu khai mạc, các Ngoại trưởng Latvia, Lithuania, Ukraine, các Đại sứ, đại diện các nước thành viên HĐBA và LHQ tại New York và từ Thủ đô các nước.
Bà Nakamitsu Izumi, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị, bày tỏ quan ngại các cuộc tấn công vào hệ thống và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trung bình cứ 39 giây lại có một cuộc tấn công.
Bà Nakamitsu Izumi, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị
Bà Izumi nhận định các quốc gia thành viên LHQ đã đạt nhiều tiến triển trong xây dựng khuôn khổ pháp lý về hoạt động công nghệ thông tin, có sự đồng thuận ủng hộ các quy tắc tự nguyện điều chỉnh hành vi quốc gia trong môi trường mạng, biện pháp xây dựng lòng tin và tăng cường năng lực.
Phó Tổng Thư ký LHQ cho rằng khuôn khổ toàn cầu về an ninh mạng còn “sơ khai”, các chính phủ cần phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy hiểu biết chung, chia sẻ kinh nghiệm, điều phối tốt các nguồn lực, nhằm hướng tới thực hiện “một thế giới, một mạng lưới, một tầm nhìn”.
Trong khi đó, ông David Koh, Giám đốc điều hành Cơ quan An ninh mạng Singapore, cho rằng khủng hoảng không gian mạng không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, mà còn làm giảm lòng tin của người dân vào cơ quan quản lý, giảm lòng tin giữa các quốc gia. Ông khẳng định yêu cầu bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin cơ bản; cho biết tăng cường năng lực về an ninh mạng là ưu tiên của Singapore trong hợp tác ASEAN cũng như hợp tác với các nước.
Ông Jame Lewis, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, cho rằng nhiều nội hàm và việc áp dụng luật pháp quốc tế trong môi trường mạng còn chưa rõ ràng, cần tiếp tục làm rõ.
Ý kiến của các nước tập trung nhấn mạnh yêu cầu xây dựng không gian mạng hòa bình, an toàn, an ninh, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ, kêu gọi tăng cường biện pháp xây dựng năng lực sử dụng, quản trị không gian mạng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm quốc gia về bảo vệ không gian mạng.
Tham dự cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho biết, Việt Nam ủng hộ xây dựng môi trường mạng an toàn, thân thiện, cởi mở và ổn định, đáp ứng nhu cầu và lợi ích chính đáng của các nước, người dân, đóng góp vào duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; khẳng định luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc cơ bản, được áp dụng trong không gian mạng; sự hợp tác giữa các quốc gia và giữa quốc gia với khu vực tư nhân là cần thiết, nhưng cần dựa trên nhu cầu và yêu cầu của nước liên quan.
Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ an ninh không gian mạng, hợp tác xây dựng năng lực và khả năng ứng phó với sự cố mạng là một trong các ưu tiên hoạt động của ASEAN; trong năm 2020, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN đã tổ chức thành công, an toàn hai Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về COVID-19.
Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp của Hội đồng Bảo an, có sự tham gia của các nước thành viên HĐBA và LHQ, các tổ chức quốc tế. |