Ngày 22/7, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã ký một thỏa thuận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen nhằm giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết, hai quan chức cấp cao Liên hợp quốc cho biết tổ chức này hi vọng thỏa thuận sẽ được thực thi đầy đủ trong vài tuần tới và khôi phục lượng ngũ cốc xuất khẩu về mức trước khi xảy ra xung đột là 5 triệu tấn/tháng.
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới rơi vào cảnh đói ăn.
Hiện vẫn còn đến 25 triệu tấn lúa mì và ngũ cốc đang bị mắc kẹt tại các cảng ở Ukraine, trong khi quốc gia này dự kiến sẽ thu được 60 triệu tấn nữa vào mùa vụ năm nay. Nếu không xuất khẩu được số ngũ cốc tồn đọng, Ukraine có nguy cơ bị thiếu kho chứa để bảo quản.
Theo thỏa thuận được ký kết, Liên hợp quốc sẽ gỡ bỏ những trở ngại đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ Nga trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và hậu cần, cũng như giúp đảm bảo rằng các sản phẩm không bị trừng phạt, Sputnik dẫn lời một quan chức Liên hợp quốc cho biết.
Quan chức này cũng nói thêm rằng, Liên hợp quốc muốn thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.
Theo thỏa thuận, Liên bang Nga và Liên hợp quốc sẽ tạo cơ chế trao đổi thông tin về xuất khẩu các sản phẩm và phân bón thông qua phái bộ thường trực của Nga tại tổ chức này. Ngoài ra, Ban Thư ký Liên hợp quốc sẽ tư vấn cho các công ty Nga về cách thức xuất khẩu các sản phẩm và phân bón bị trừng phạt.
Theo các tài liệu về dỡ bỏ hạn chế đối với việc cung cấp các sản phẩm xuất khẩu của Nga và về sự hỗ trợ của Nga trong việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, Nga và Kiev đã nhất trí rằng các tàu chở ngũ cốc đến từ Ukraine không bị tấn công.
"Việc kiểm tra các tàu đến cảng sẽ được thực hiện dưới sự kiểm soát của Trung tâm Điều phối chung của ba quốc gia (Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên hợp quốc. Các nhóm kiểm tra sẽ được thành lập. Các tàu sẽ được kiểm tra để đảm bảo rằng không có vũ khí nào được chuyển đến Ukraine”, Sputnik dẫn một nguồn tin cho biết.
Theo kết quả thỏa thuận, Liên hợp quốc đã đặt trách nhiệm về lãnh hải của Ukraine cho Kiev.
Phát biểu với báo giới trước khi thỏa thuận được ký kết, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc nối lại nguồn cung phân bón, thực phẩm và ngũ cốc cho các thị trường trên thế giới là rất quan trọng. Ông Peskov cũng cho biết: "Lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine không lớn, nhưng việc đưa lượng ngũ cốc này ra thị trường thế giới vẫn rất quan trọng".
Liên hợp quốc đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực do thiếu ngũ cốc, các nước phương Tây cáo buộc Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen. Moscow dứt khoát bác bỏ điều này và chỉ ra rằng chính Kiev đã tạo ra nhiều trở ngại cho xuất khẩu.
Cùng với đó, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Nga không can thiệp vào việc xuất khẩu ngũ cốc, và nếu Ukraine dọn sạch mìn trên các cảng, các tàu chở lương thực sẽ có thể rời đi mà không gặp vấn đề gì. Ngoài ra, người đứng đầu Điện Kremlin cũng nhắc nhở về sự tồn tại của các tuyến đường vận chuyển ngũ cốc khác: qua Romania, sông Danube và việc di chuyển tiếp theo dọc Biển Đen, qua Ba Lan, qua Belarus và qua các cảng của Biển Azov.