Chính phủ Nga ngày 22/7 đã bổ sung Hy Lạp, Đan Mạch, Slovenia, Croatia và Slovakia vào danh sách “Các quốc gia không thân thiện”, Interfax đưa tin.
Theo trang web của Chính phủ Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã ký ban hành sắc lệnh này.
Interfax cho biết, các nước Hy Lạp, Đan Mạch, Slovenia, Croatia và Slovakia dược Moscow đưa vào danh sách trên do có “những hành động không thân thiện” chống lại nước Nga, các công ty và công dân Nga.
Hầu hết các quốc gia trong danh sách không thân thiện mà Nga đưa ra đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow vì đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời cũng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi Moscow rút quân.
Chính phủ Nga lưu ý rằng theo nghị định này, các công dân và công ty Nga, các khu vực và thành phố trực thuộc trung ương có nghĩa vụ ngoại hối đối với các chủ nợ nước ngoài trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ không thân thiện có thể thanh toán bằng đồng ruble.
Chính phủ Nga đầu tháng 3/2022 đã phê duyệt danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài có hành động không thân thiện với Nga.
Danh sách công bố ngày 7/3 bao gồm Mỹ và Canada, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh (bao gồm cả Jersey, Anguilla, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Gibraltar), Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Albania, Andorra, Iceland, Liechtenstein, Monaco, Nauy, San Marino, Bắc Macedonia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Micronesia, New Zealand, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
Đến 19/5, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã công bố danh sách “các quốc gia không thân thiện”, được xếp theo số lượng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow. Đài RT (Nga) đưa tin theo thống kê của ông Volodin, đứng đầu danh sách này là Mỹ - với 1.983 lệnh trừng phạt khác nhau nhằm vào Nga. Tiếp đến là Canada, Thụy Sĩ, Anh, EU, Australia và Nhật Bản.
Ngày 24/2, Tổng thống Vladimir Putin quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, sau các đề nghị của hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine, nhằm bảo vệ họ trước các chiến dịch tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine.
Tổng thống Putin khẳng định mục tiêu chính của chiến dịch quân sự là “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine, đồng thời giải phóng khu vực Donbass có chủ yếu là người ủng hộ Nga.
Sau khi xung đột nổ ra, Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cùng với EU đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, cũng như cung cấp hàng tỷ USD hàng viện trợ quân sự cho Kiev.
Trong khi đó, Moscow nhiều lần tuyên bố mọi thiết bị khí tài của nước ngoài chống lại Nga ở Ukraine đều sẽ bị coi là mục tiêu tấn công hợp pháp của quân đội nước này.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/7 thông báo nước này đã bổ sung 39 đại diện các doanh nghiệp quốc phòng và dịch vụ an ninh của Australia vào danh sách cấm nhập cảnh, trong động thái đáp trả một dự luật trừng phạt đối với Moscow được Canberra thông qua.
Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã tuyên bố nước này sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, theo đó sẽ bổ sung áp đặt trừng phạt và cấm đi lại đối với 16 cá nhân gồm các bộ trưởng và nhà tài phiệt Nga, nâng tổng số công dân Nga bị Canberra áp đặt trừng phạt lên 843 người. Ngoài ra, Australia còn cấm nhập khẩu vàng từ Nga.
Nga hiện đang đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Mới nhất, ngày 21/7, gói trừng phạt thứ 7 của EU nhằm vào Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine đã chính thức có hiệu lực, gồm các biện pháp cấm hoạt động mua, nhập khẩu hoặc chuyển giao vàng, trong đó có trang sức.