Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Phần Lan vào lúc 7h00 ngày 21/5 (giờ địa phương) do Helsinki từ chối thanh toán nhiên liệu xanh bằng đồng ruble, Sputnik đưa tin.
Nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt tự nhiên Gasgrid của Phần Lan xác nhận, việc nhập khẩu khí của Nga qua cổng Imatra đã ngừng lại. Imatra là điểm truyền khí đốt của Nga vào Phần Lan.
Trước đó, ngày 20/5, công ty bán buôn khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của Phần Lan Gasum đưa ra cảnh báo rằng, dòng chảy khí đốt sẽ ngừng vào 4h sáng 21/5 (theo giờ GMT). Hiện Gasum đã xác nhận "nguồn cung cấp khí tự nhiên cho Phần Lan, thông qua các hợp đồng cung cấp của Gasum đã bị cắt”.
Theo Bộ Việc làm và Kinh tế Phần Lan, Công ty năng lượng Gasum Oy đã quyết định nộp đơn ra trọng tài vì cho rằng phía Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận thanh toán bằng đồng euro, Sputnik cho biết.
Tin nhấn mạnh rằng Phần Lan đã chuẩn bị trước để giảm nhập khẩu khí đốt từ nước láng giềng phía Đông, nhưng việc tìm nguồn thay thế không hoàn toàn dễ dàng.
"Các công ty năng lượng có thể chuyển đổi và một số đã chuyển từ khí đốt sang các loại nhiên liệu khác theo điều kiện thị trường. Khi nhập khẩu khí đốt từ Nga chấm dứt, tình hình của các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng khí đốt sẽ khác nhau. Một số đã chuyển sang các loại nhiên liệu khác, một số chuyển sang dùng khí đốt từ các quốc gia vùng Baltic qua tuyếnđường ống Balticconnector”, Bộ Việc làm và Kinh tế Phần Lan cho hay. Balticconnector liên kết Phần Lan với mạng lưới khí đốt của nước láng giềng Estonia.
Trước đó, từ ngày 1/4, Moscow bắt đầu chấp nhận thanh toán khí đốt từ các quốc gia mà phía Nga đưa vào danh sách “không thân thiện” bằng đồng ruble để thoát khỏi các khoản thanh toán bằng USD và euro. Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ rằng việc từ chối thanh toán bằng đồng tiền của Nga sẽ được coi là “không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng”.
Từ ngày 27/4, Gazprom dừngxuất khẩu nhiên liệu sang Bulgaria và Ba Lan do hai nước này không thanh toán. Đồng thời, công ty cảnh báo rằng họ sẽ giảm quá cảnh đến các quốc gia khác nếu Sofia và Warsaw rút khí đốt một cách bất hợp pháp.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, Mỹ và phương Tây đã đưa ra nhiều lệnh trừng phạt đối với Moscow. Nhiều quốc gia đã tuyên bố đóng băng tài sản của Nga, ngày càng có nhiều tuyên bố kêu gọi từ chối mua năng lượng từ Nga. Tất cả những điều này đã trở thành vấn đề đối với Mỹ và châu Âu, khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng lên.
Trong một diễn biến khác, Phần Lan cùng nước láng giềng Thụy Điển trong tuần qua đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi sự ủng hộ của công chúng và chính trị với liên minh này tăng vọt. Moscow từng cảnh báo Phần Lan rằng việc nước này gia nhập NATO sẽ là sai lầm nghiêm trọng, có hậu quả lớn.