Nga cáo buộc Mỹ vi phạm Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới

Nhật Minh| 24/05/2021 22:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với những con số được chỉ ra trong báo cáo về tổng vũ khí tấn công chiến lược của Nga và Mỹ thực hiện theo Hiệp ước New START (START-3), Moscow cáo buộc Washington đã vi phạm Hiệp ước khi nâng cao đáng kể số lượng vũ khí tấn công chiến lược.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/5 đã công bố dữ liệu về tổng số vũ khí tấn công chiến lược của Nga và Mỹ theo Hiệp ước START-3 mà trước đó đã được gia hạn thêm 5 năm, Sputnik cho biết.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Mỹ và Nga đã trao đổi thông tin về số lượng vũ khí tấn công chiến lược trong tháng 3/2021.

obama_and_medvedev_sign_prague_treaty_2010.jpeg
Hai cựu Tổng thống Nga và Mỹ - Dmitry Medvedev và Barack Obama - ký kết Hiệp ước START-3 vào năm 2010

Thông cáo Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, ở hạng mục “tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã triển khai, tên lửa đạn đạo tàu ngầm đã triển khai và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai”, Moscow có 517 chiếc, trong khi Washington sở hữu 651 chiếc.

Nga có 1.456 đơn vị “đầu đạn trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã triển khai, cũng như trên các tên lửa đạn đạo của tàu ngầm đã triển khai và đầu đạn hạt nhân, được tính là đã triển khai bằng các máy bay ném bom hạng nặng”. Ở hạng mục này, Mỹ có 1.357 đơn vị.

Còn ở hạng mục “bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đã triển khai và không triển khai, cũng như máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và không triển khai”, phía Nga có 767 đơn vị, còn phía Mỹ có 800 đơn vị.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đạt được con số tuyên bố 800 đơn vị ở hạng mục nói trên "không chỉ nhờ việc cắt giảm vũ khí thực sự của Mỹ, mà còn nhờ việc đơn phương rút khỏi hiệp ước 56 bệ phóng SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) Trident II và 41 máy bay ném bom hạng nặng B-52N”.

tridentii.jpg
UGM-133A Trident II còn gọi với tên Trident D5 là tên lửa xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM), được phát triển bởi Lockheed Martin Space Systems,

Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc tái trang bị của Mỹ được thực hiện theo cách mà “phía Nga không thể xác nhận rằng những vũ khí tấn công chiến lược này đã được coi là không phù hợp để sử dụng vũ khí hạt nhân, như quy định tại điểm 3 mục I của Chương I trong Nghị định thư III đối với Hiệp ước”.

Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng Mỹ cũng đã đổi tên bốn bệ phóng silo thành loại “dùng để huấn luyện”, vốn không được Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) xét đến. Washington từ chối đưa chúng vào Hiệp ước với tư cách là bệ phóng ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa) không được triển khai.

“Như vậy, chỉ số cho phép theo điểm c, khoản 1, Điều II của Hiệp ước đã bị Mỹ nâng thêm 101 đơn vị”, Bộ Ngoại giao Nga giải thích.

Trước đó, vào ngày 27/1, Duma Quốc gia Nga đã thông qua luật liên bang tương ứng về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (Hiệp ước New START hay START-3) và sau đó được Hội đồng Liên bang thông qua cùng ngày. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc gia hạn Hiệp ước New START tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, sau khi ông nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ ngày 20/1/2021.

Để đi đến quyết định gia hạn Hiệp ước New START (hay START-3), trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm; và sau đó đã chỉ đạo nhân viên của hai bên phải khẩn trương làm việc để kịp gia hạn trước ngày 5/2. Thỏa thuận dự kiến sẽ được gia hạn đến ngày 5/2/2026.

Thỏa thuận hiện tại về việc cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược được hai cựu Tổng thống Nga và Mỹ - Dmitry Medvedev và Barack Obama - ký kết vào năm 2010. Hiệp định có hiệu lực vào năm 2011 và hết hạn vào tháng 2/2021.

Hiệp ước quy định mỗi bên không được có hơn 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược. Tổng cộng, có thể sở hữu không quá 1.550 đầu đạn.

Tổng số bệ phóng ICBM và SLBM, cũng như các máy bay ném bom đã và chưa triển khai, không được vượt quá 800.

Quyết định của Nga và Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) thêm 5 năm được giới phân tích đánh giá là rất quan trọng để đảm bảo sự sự cân bằng chiến lược-quân sự giữa hai cường quốc và an ninh quốc tế nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga cáo buộc Mỹ vi phạm Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới