Nên giao việc xóa nợ thuế cho Chính phủ và Bộ Tài chính

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 20-3, tiếp tục phiên họp thứ 6, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về Luật Quản lý thuế. Theo đó, dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 điều (trong tổng số 120 điều của Luật hiện hành), liên quan đến 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung: Nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính, mục tiêu cải cách - hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế và nâng cao h

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Đánh giá chung về Dự thảo Luật sửa đổi, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan... Tuy nhiên, so với mục tiêu sửa đổi đề ra của Chính phủ là tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khắc phục tình trạng lợi dụng sơ hở của pháp luật làm thất thoát nguồn thu NSNN, thì vẫn chưa đáp ứng được toàn diện.

Với mục tiêu này, Dự thảo Luật phải có các quy định mang tính giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gian lận thuế; có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh; tăng cường hiệu lực thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng hậu kiểm; kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận, chuyển giá giữa các doanh nghiệp; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt… nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng thuế, trốn thuế.

Theo Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, một trong những điểm mới của Luật quản lý thuế là tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, nâng cao ý thức trách nhiệm của người nộp thuế. Tuy nhiên, đi đôi với cơ chế này, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và chế tài đủ mạnh thì mới bảo đảm tính nghiêm minh trong tuân thủ pháp luật.

Qua giám sát và trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện Luật Quản lý thuế cho thấy, tỷ lệ sai phạm trong thực hiện tự tính, tự khai, tự nộp là khá lớn. Trong khi đó, Luật Quản lý thuế hiện hành và cả Dự thảo Luật còn thiếu các quy định bảo đảm cơ chế kiểm soát, nhất là hậu kiểm, chế tài xử phạt; do vậy, đề nghị bổ sung nội dung này để tạo công cụ xử phạt nghiêm minh đối với hành vi không trung thực, gian lận, trốn thuế; xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin, không phối hợp với cơ quan quản lý thuế khi có yêu cầu...

Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung trình tự, thủ tục thi hành cưỡng chế thuế, các chế tài xử phạt. Theo đó, quy định mức xử phạt là 0,05%/ngày đối với tiền thuế nộp chậm; 10% đối với tiền thuế kê khai thiếu; phạt từ 1-3 lần số tiền thuế trốn... Các ý kiến cho rằng, về cơ bản các chế tài xử phạt là hợp lý, tuy nhiên chưa có sự phân biệt chi tiết về cấp độ vi phạm với biện pháp khuyến khích người nộp thuế tự khắc phục hậu quả, điều chỉnh sai sót. Vì thực chất mức xử phạt 0,05%/ngày là khoản lãi chậm nộp thuế, không nên coi là tiền phạt. Vì nếu coi là tiền phạt sẽ dẫn đến việc bị hiểu lầm là một hành vi vi phạm về thuế bị xử phạt 2 lần.

Chủ nhiệm UBPL Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, đối với cơ chế tự kê khai nộp thuế, nếu không có tiêu chí phân loại rõ ràng thì sẽ có nguy cơ thất thoát thuế. Vì theo cơ quan chức năng, khi kiểm tra hiện chỉ có 20% doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế. Bên cạnh đó cần lưu ý đến quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền phạt và giao cho Chính phủ thực hiện việc này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, nên giao việc xóa nợ tiền thuế cho cả Bộ Tài chính và Chính phủ cùng làm, vì vấn đề này rất phức tạp, tiền nợ thuế quá lớn. Như hiện nay vẫn còn hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế liên quan đến việc lắp ráp xe ôtô, xe gắn máy chưa xóa được. Tương tự, quy định đưa ra các mức phạt 20% hay 30% số tiền thuế phải nộp khi trốn thuế cũng cần phải cân nhắc kỹ, vì nếu quy định mức phạt quá nặng như vậy, họ lại tìm cách khác vì có thể họ sẽ “chạy” cán bộ thu thuế để đút lót, hối lộ. Riêng gian lận trong kê khai thuế thì có thể nâng mức phạt lên cao hơn.

Liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với cơ quan quản lý thuế và công chức quản lý thuế, chưa quy định về nghĩa vụ bồi thường đối với công chức thuế khi có hành vi gây thất thoát tiền, tài sản nhà nước (như quyết toán thuế sai...). Nhiều ý kiến đề nghị, cùng với trách nhiệm bồi thường cho người nộp thuế, cần bổ sung quy định xử phạt, nghĩa vụ bồi thường cho Nhà nước đối với công chức thuế khi có hành vi gây thất thoát tiền, tài sản Nhà nước. Ngoài ra, bên cạnh việc bồi thường theo quy định của Luật Quản lý thuế, cần xác định rõ trách nhiệm theo quy định của văn bản pháp luật liên quan (trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự...).

Trước đó, trong phiên khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và Báo cáo về một số nội dung cơ bản dự kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lưu ý các thành viên trong Ủy ban đánh giá cụ thể tình hình thi hành Hiến pháp năm 1992, những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những kết quả, bất cập hạn chế, đồng thời liên hệ với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và những văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình các cơ quan hữu quan trong thời gian sắp tới.

M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên giao việc xóa nợ thuế cho Chính phủ và Bộ Tài chính