Nâng cao chất lượng xét xử là một mục tiêu xuyên suốt mà hệ thống TAND đề cao và dành nhiều nỗ lực trong những năm qua.
Một trong những biện pháp nhằm giải quyết các vụ án đúng đắn, khách quan, đúng pháp luật là tranh tụng tại phiên tòa, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Thẩm phán. Dấu hiệu tích cực là ngày càng có nhiều phiên tòa hình sự được dư luận quan tâm, đồng tình, như phiên tòa mới đây xét xử cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, khẳng định vai trò của Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong tranh tụng.
Phiên tòa có vai trò đặc biệt quan trọng
Trong xét xử, phiên tòa là giai đoạn có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong giải quyết vụ án, thực hiện các nhiệm vụ, mục đích tố tụng đặt ra. Theo PGS.TS Trần Văn Độ, vai trò quyết định đó của phiên tòa thể hiện ở những điểm sau đây:
Thứ nhất: Phiên tòa là nơi Tòa án bằng thủ tục công khai, toàn diện thực hiện cuộc điều tra chính thức để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tòa án ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và kiểm tra công khai tại phiên tòa. Việc chứng minh (bao gồm cả quá trình thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ) được các chủ thể có quyền và lợi ích khác nhau (bên buộc tội, bên bào chữa, nguyên đơn, bị đơn) thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ tại phiên tòa khi xét hỏi cũng như tranh luận.
Thứ hai: Phiên tòa đảm bảo sự tham gia của những người tham gia tố tụng. Hơn ở đâu hết, tại phiên tòa quyền và nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng được quy định và được đảm bảo thực hiện đầy đủ nhất bằng thủ tục tố tụng trực tiếp, công khai. Tại phiên tòa khó có thể xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như bức cung, ép cung, dùng nhục hình v.v…
Thứ ba: Phiên tòa là nơi có điều kiện tốt nhất để thực hiện việc áp dụng đúng đắn pháp luật. Qua phân tích nội dung các đề xuất của các bên tham gia tố tụng về áp dụng pháp luật, Tòa án lựa chọn cho mình phương án áp dụng pháp luật chính xác nhất để giải quyết đúng đắn vụ án.
Thứ tư: Phiên tòa là nơi tốt nhất thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Như vậy, phiên tòa là giai đoạn trung tâm thể hiện đầy đủ nhất bản chất quá trình tố tụng nói chung và xét xử nói riêng. Phiên tòa có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng với địa vị pháp lý được xác định. Thông qua phiên tòa, bằng thủ tục trực tiếp, công khai, qua nghe ý kiến và đề xuất của các bên tham gia tố tụng, tòa án (với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng quan trọng nhất) tiến hành xác định sự thật khách quan của vụ án và ra các phán quyết giải quyết vụ án một cách đúng đắn, khách quan và đúng pháp luật.
Mới đây, trong phiên tòa tại TAND TP Hồ Chí Minh xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga bị buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, HĐXX do Thẩm phán Vũ Thanh Lâm là chủ tọa đã thực hiện đầy đủ qui định của BLTTHS trong quá trình xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa. Lập luận và chứng cứ của các bên đều được công khai, xem xét, đánh giá trên cơ sở pháp luật. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã đi sâu vào từng chi tiết của vụ án, xét hỏi một cách tỉ mỉ, tôn trọng từng phần làm việc của luật sư các bên, khai báo của nhân chứng, tính tranh tụng trong xét xử… càng làm cho dư luận hiểu rằng, Thẩm phán muốn đi tìm đến cùng sự thật của vụ án này. Báo chí đánh giá “Ngày 29/6, được coi là ngày xử bùng nổ những tình tiết đầy bất ngờ. Hồ sơ vụ án được tuyên trả, hai bị cáo Phương Nga và Thùy Dung được tại ngoại hầu tra”.
Do đó có thể nói, nếu tranh tụng thật sự dân chủ, đúng qui định của pháp luật, thì quyết định của HĐXX sẽ đúng đắn, khách quan, sẽ không để xảy ra những vụ án oan gây bức xúc dư luận.
Hội đồng xét xử một vụ án hình sự
Những hạn chế về tranh tụng hiện nay
Mặc dù yêu cầu tranh tụng được đặt ra và đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều phiên tòa được đánh giá cao, nhưng thực tế cho thấy tại nhiều phiên tòa chất lượng tranh tụng chưa thật sự hiệu quả, đôi khi còn hình thức. Có thể nhận thấy một số hiện tượng như kiểm sát viên tham gia hỏi cung bị cáo ngay từ khi bắt, tạm giữ, tạm giam và bị can nhận tội, nhưng tại phiên tòa bị cáo lại chối tội và khai trước tòa là bị cáo bị ép cung, nhục hình dẫn đến luật sư yêu cầu Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.
Khi tranh tụng với luật sư, một số kiểm sát viên thực hiện kỹ năng tranh tụng chưa thuyết phục, còn né tránh, có tâm lý e ngại tranh luận. Trong một số phiên tòa, khi luật sư đưa ra ý kiến phản bác những chứng cứ buộc tội của kiểm sát viên và kiểm sát viên không thể đưa ra lời lẽ đối đáp, cuối cùng chỉ nói rằng, Viện kiểm sát “giữ nguyên quan điểm như bản cáo trạng” mà không giải thích.
Trong quá trình tranh luận, một số kiểm sát viên và luật sư còn thiếu bình tĩnh trước những tình huống diễn ra tại phiên tòa, nóng nảy khi phát ngôn dẫn đến sử dụng các ngôn từ pháp lý thiếu chuẩn xác, viện dẫn pháp luật còn chung chung, hiệu quả tranh tụng không cao, thiếu tính thuyết phục đối với HĐXX và những người dự xử tại phiên tòa.
Những hạn chế đó cũng đồng thời phản ánh vai trò còn mờ nhạt của Thẩm phán, của Chủ tọa phiên tòa trong điều khiển phiên tòa và thực hiện tranh tụng chưa tốt. Nhiều phiên tòa, Thẩm phán tranh luận thay kiểm sát viên, gây cảm giác HĐXX nghiêng về phía buộc tội, không thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Cá biệt có những phiên toà, Thẩm phán không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chưa chu đáo trong công tác chuẩn bị phiên tòa, trong phiên tòa cũng như trong viết bản án; đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không chính xác nên xét xử oan người không có tội, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, không áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật hoặc các hướng dẫn phải áp dụng trong công tác xét xử... Ngược lại, có những trường hợp do đánh giá chứng cứ không chính xác, nhận thức không đầy đủ về quy định của pháp luật nên lẽ ra phải kết án đối với bị cáo lại tuyên bị cáo không có tội.
Đòi hỏi đối với Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa
Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự nhằm nâng cao chất lượng xét xử, các chuyên gia cho rằng, với vai trò là người tiến hành tố tụng, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải thực hiện đầy đủ, chính xác các công việc mà BLTTHS quy định.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Mai, với vai trò là trọng tài giữa bên buộc tội và bên bào chữa, Toà án phải có thái độ vô tư, khách quan và công minh. Các thành viên HĐXX phải quan tâm ở mức độ như nhau đối với tất cả những nguời tham gia phiên toà (Công tố viên, luật sư bào chữa, bị cáo, người bị hại,..) và có thái độ khách quan, không thiên vị đối với các chứng cứ, các yêu cầu, đề nghị của các bên đưa ra cũng như đối với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật dành cho họ. Toà án không được phép định kiến đối với bất cứ bên nào và cũng không thể bị ràng buộc bởi bất cứ một yêu cầu, đề nghị hoặc ý kiến của bất kỳ ai. Đối với quan toà, thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp.
Chủ tọa phiên tòa phải quán triệt nguyên tắc chỉ giải thích quyền và nghĩa vụ tố tụng cho những người tham gia tố tụng, tuyệt đối không được giải thích, bình luận, đánh giá hành vi phạm tội, các tình tiết là yếu tố định tội, yếu tố định khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Không giải thích cho bị cáo nếu khai báo thành khẩn thì được giảm nhẹ hình phạt; không được nhận xét bị cáo ngoan cố; không được mạt sát hoặc có những lời lẽ có tính chất phê phán đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Thạc sĩ Đinh Văn Quế cho rằng: Tranh tụng tại phiên toà chính là sự đối đáp giữa một bên buộc tội (Kiểm sát viên hoặc người bị hại ) và một bên gỡ tội hoặc giữa hai bên có quyền và lợi ích đối lập nhau bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu bằng cách hỏi đáp và tranh luận. Nếu trong quá trình hỏi đáp, người hỏi và người đáp được đánh giá, bình luận, nhận xét nội dung câu hỏi cũng như nội dung câu trả lời, thì quá trình hỏi đáp cũng là quá trình tranh luận, người hỏi và người đáp nêu những quan điểm của người tham gia vào việc hỏi đáp về một vấn đề cụ thể, đồng ý hay phản đối ý kiến của người khác. Điều khiển việc tranh tụng tại phiên toà là điều khiển quá trình này, mà chủ yếu là điều khiển việc đối đáp giữa Kiểm sát viên với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác hoặc giữa những người tham gia tố tụng có quyền, lợi ích đối lập nhau. Để điều khiển việc tranh tụng đạt kết quả theo ý muốn, đòi hỏi chủ tọa phiên toà phải là người nắm chắc các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; đọc kỹ hồ sơ vụ án; dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên toà và chủ động tìm biện pháp giải quyết khi tình huống đó xảy ra.
Ngoài nắm vững các qui định của pháp luật, của BLTTHS, Thẩm phán còn phải rèn luyện kỹ năng xét xử, kỹ năng điều khiển phiên tòa. Nếu Thẩm phán yếu về một mặt nào đó, trình độ, năng lực, kỹ năng hay tư cách đạo đức thì không thể xét xử tốt, không thể điều hành tranh tụng thật sự khách quan để làm sáng tỏ vụ án và đưa ra phán quyết đúng pháp luật.