Vấn đề quan tâm

Nâng cao chất lượng cán bộ, vượt căn bệnh cố hữu

Trang Nhi 17/11/2024 - 06:08

Hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả nếu chỉ dừng lại ở "đổi mới, cải cách" như trước đây thì sẽ khó vượt qua được những căn bệnh cố hữu như: cồng kềnh, trì trệ, kém linh hoạt.

Điểm nghẽn trong công tác cán bộ

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, nhiều chuyên gia cho rằng, đổi mới bộ máy hệ thống chính trị, đổi mới thể chế trong bộ máy chính trị là một trong những nhiệm vụ căn bản, cách mạng nhưng rất khó khăn, bởi động đến rất nhiều mối quan hệ, nếu không quyết liệt sẽ không làm được.

chat-luong-can-bo-1.jpg
Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Để thực hiện đổi mới hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới, PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng phải tiên phong đổi mới chính mình để dẫn dắt quá trình đổi mới của các cấp, các ngành.

Còn PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, công tác cán bộ phải được quan tâm, đặc biệt chú trọng. Chỉ khi làm tốt công tác cán bộ thì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới mới được hiện thực hóa.

Theo ông Lâm, thời gian qua, công tác cán bộ đã đạt được những kết quả nổi bật. Đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Song, ông Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn trong công tác cán bộ. Trong đó, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi.

Một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm việc hời hợt, ngại khó…

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm… Vẫn còn biểu hiện “lạm quyền”, “lộng quyền”, tư tưởng tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ của một số người đứng đầu.

Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm trong công tác cán bộ còn chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.

ong-lam.jpg
PGS, TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Phải làm quyết liệt nhưng vững chắc

Theo ông Vũ Trọng Lâm, cần đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ. Bởi, quy hoạch cán bộ là nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ được chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Để làm tốt điều đó, công tác quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Qua đó, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo.

Trong công tác quy hoạch, bồi dưỡng cần chú ý bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ. Mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ để họ có chức danh lãnh đạo, quản lý, được rèn luyện, thử thách, từ đó ngày càng trưởng thành, có điều kiện tham gia cấp ủy.

Song song đó là xây dựng kế hoạch và thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy hoạch, đối tượng luân chuyển phải thực sự có năng lực và triển vọng phát triển. “Đặc biệt, khâu đánh giá, nhận xét cán bộ phải công tâm, khách quan, thực chất” – ông Lâm lưu ý.

Giải pháp tiếp theo là xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Phải phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế. Đồng thời, bảo vệ những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, không để nhụt chí.

GS.TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho rằng nhân dân mong muốn và hy vọng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, thực sự có đức, có tài, biết lo trước thiên hạ, biết vui sau thiên hạ, có năng lực thiết kế, truyền cảm hứng và làm gương để nhân dân noi theo trên cuộc hành trình dựng xây kỷ nguyên mới.

“Sẽ có rất nhiều việc phải làm, phải làm quyết liệt nhưng vững chắc để có được một hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, của hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; để có được đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm khiết, mẫu mực, hết lòng vì Đảng, vì dân”, GS.TS. Phùng Hữu Phú nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng cán bộ, vượt căn bệnh cố hữu