Việc tận diệt giun đất bằng việc kích điện gây ra những hậu quả không nhỏ cho hệ sinh thái. Thế nhưng, khi rà soát lại các quy định của pháp luật thì chưa có chế tài nào xử lý nạn kích điện giun đất. Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ cho cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý.
Sau khi tạm giữ các đối tượng kích điện giun đất, Công an thị trấn Thường Xuân đã khai thác thông tin, những người này bán giun đất tươi cho các đầu nậu thu mua với giá 38.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày người đi bắt giun có thể kiếm gần 1 triệu đồng.
Với những người không có tiền mua kích điện thì đầu nậu sẽ chủ động đầu tư, mua sắm máy kích điện, thuê người đi bắt giun về cung cấp cho cơ sở của mình với giá 25- 32.000 đồng/kg.
Giun sau khi thu mua sẽ được các chủ lò sấy thuê nhân công sẻ bụng, xếp thành lớp rồi đưa đi sấy khô; mỗi mẻ giun được sấy bằng củi trong thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trung bình khoảng 13kg giun tươi sau khi sấy sẽ được 1kg giun khô. Mỗi kg giun khô được các chủ lò sấy bán với giá từ hơn 7 trăm nghìn đồng tới 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi được hỏi thương lái thu mua giun khô làm gì thì chủ lò sấy không biết, chỉ biết họ mua để xuất khẩu, thấy có lợi nhuận thì làm.
Trước tình trạng trên, UBND huyện Thường Xuân phải ban hành văn bản gửi các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tăng cường quản lý việc người dân dùng kích điện bắt giun đất làm ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái.
Văn bản nêu rõ, hiện nay trên địa bàn một số xã, thị trấn đã xuất hiện tình trạng một số người dân dùng máy kích điện đánh bắt giun đất trên ruộng, vườn, trong rừng,... để sơ chế, chế biến thành sản phẩm giun khô bán cho các thương lái thu gom.
Hoạt động này gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến các sinh vật, động vật sống dưới đất, làm mất cân bằng hệ sinh thái, giảm độ xốp, độ thoáng và độ ẩm của đất dẫn đến làm giảm độ phì nhiêu, đất bị bạc màu, tác động xấu đến thổ nhưỡng và sự sinh trưởng phát triển của cây trồng. Việc đánh bắt giun đất bằng kích điện nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Mặt khác trong quá trình chế biến giun đất nước thải xả ra bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh.
"Tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về hậu quả nghiêm trọng của việc khai thác, đánh bắt giun đất ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái; không vì lợi ích trước mắt mà gây thiệt hại lâu dài cho người dân", văn bản nêu.
Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Thường Xuân cho biết: “Trước đây, hành vi dùng kích điện đánh bắt thủy sản, giun đất sẽ vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên, Luật bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) lại chưa có chế tài xử lý hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun".
Chính vì vậy mà công an địa phương khi phát hiện chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở không tái phạm. Trong khi đó, vì lợi nhuận trước mắt, một số người vẫn tận diệt giun đất bằng kích điện, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi chỉ kiểm tra giấy phép, việc đảm bảo môi trường của các chủ cơ sở sấy giun. Qua kiểm tra cùng với chính quyền địa phương đã xử phạt 1 hộ gia đình ở xã Xuân Dương 2,5 triệu đồng vì không có giấy phép; 1 hộ ở Lương Sơn vi phạm về bảo vệ môi trường số tiền phạt 700 nghìn đồng. Hiện nay chính quyền địa phương đang kiểm tra 1 cơ sở sấy giun tại xã Ngọc Phụng (hộ gia đình này được cấp phép nuôi trùn quế)". Thượng tá Dũng cho biết.
Tình trạng kích điện bắt giun đất không chỉ diễn ra ở Thanh Hóa mà còn nhiều địa phương khác như Hòa Bình, Sơn La…
Trên “chợ mạng” hay các sàn thương mại điện tử ở nước ta, giun đất sấy khô (còn còn là địa long, trùng đất) được quảng cáo là dược liệu quý. Chúng là thành phần dùng trong nhiều bài thuốc đông y để chủ trị sốt cao, đau khớp, chân tay tê bại, bán thân bất toại, trúng phong ho suyễn do phế nhiệt, cao huyết áp,...
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy Phạm Viết Hoài cho hay: “Qua nguồn tin báo của nhân dân, chúng tôi nắm được việc kích điện tận diệt giun đất, ảnh hưởng đến môi trường đất và cây trồng. Trước mắt phải tuyên truyền để người dân hiểu, không vì lợi nhuận trước mắt mà hủy hoại đi môi trường, chất đất. Nếu còn tiếp tục thì lập biên bản, nhắc nhở, tạm giữ phương tiện, công cụ. Nếu tình hình còn diễn biến phức tạp sẽ phải báo cáo cấp trên cho hướng xử lý phù hợp.”