Tin địa phương

Nam Định: Cảnh báo lũ khẩn trên các sông

Mai Đỉnh 11/09/2024 - 16:50

Đài KTTV tỉnh Nam Định dự báo mực nước các sông tiếp tục lên và khả năng đạt đỉnh vào trưa đến chiều tối ngày 11/9; biên độ lũ 2-3,2m; độ sâu ngập lụt bãi bồi ven sông 0,7-1,7m.

Theo bản tin lũ khẩn phát lúc 12 giờ ngày 11/9 của Đài Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) tỉnh Nam Định, mực nước trên các sông của tỉnh đang tăng nhanh.

Vào lúc 11 giờ 30, mực nước trên sông Đào tại Trạm thuỷ văn Nam Định là 5,04m (trên báo động 3 là 0,74m); trên sông Ninh Cơ tại Trạm Trực Phương là 3,64m (trên báo động 3 là 1,04m).

Lúc 11 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Đáy tại Trạm Ninh Bình là 3,87m (trên báo động 3 là 0,37m); tại Phủ Lý là 4,99m (trên báo động 3 0,99m); trên sông Hồng tại Trạm Tiến Đức là 6,63m (trên báo động 3 0,33m).

y-yen-nam-dinh.jpg
Nước tại đê sông Đáy (Ý Yên) sáng 11/9.

Đài KTTV tỉnh Nam Định dự báo mực nước các sông tiếp tục lên và khả năng đạt đỉnh vào trưa đến chiều tối ngày 11/9; biên độ lũ 2-3,2m; độ sâu ngập lụt bãi bồi ven sông 0,7-1,7m.

Trên sông Đào tại Nam Định; trên sông Ninh Cơ tại Trực Phương; trên sông Đáy tại Ninh Bình, Phủ Lý; trên sông Hồng tại Tiến Đức tiếp tục duy trì ở mức trên báo động 3.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên các sông cấp 3; cần đề phòng sạt lở vùng ven đê sung yếu và ngập lụt, sạt lở đất ở bãi bồi, vùng ven sông.

ngha-hung-nam-dinh1.jpg
Các lực lượng chức năng và người dân xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) đang gia cố cống Đồn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Công điện yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng.

Duy trì nghiêm chế độ trực lãnh đạo với tinh thần khẩn trương nhất, tập trung di dời Nhân dân dân cư sinh sống, hoạt động tại các bãi sông, khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo, không an toàn.

Trong đó, nhất là các khu vực vùng nguy hiểm: bối Phương Định huyện Trực Ninh; bối Yên Bằng, Yên Trị huyện Ý Yên; bối Hồng Hà, bối Hồng Long, bối Vạn Diệp thành phố Nam Định; bối Thắng Thịnh, bối Đại An, bối An Tuỳ huyện Nam Trực, bối Đồng Gò huyện Hải Hậu, bối Hoàng Nam, bối Quần Liêu huyện Nghĩa Hưng…

Tuyệt đối không để người dân nào bị đói, rét, không có nơi ở; chuẩn bị, cung ứng đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán; có phương án sơ tán, di dân và tài sản của người dân vào những nơi an toàn.

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, theo dõi thường xuyên, liên tục tình hình mực nước lũ để chủ động tuần tra, canh gác đê điều đặc biệt là những tuyến đê chính.

Kịp thời phát hiện các sự cố có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc để hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ” ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn quản lý.

Chủ động huy động mọi nguồn lực để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Cảnh báo lũ khẩn trên các sông