Tòa tuyên án

Năm chị em đưa nhau ra tòa chia thừa kế: Tòa sơ thẩm ra phán quyết

Đ. Việt 17/01/2024 - 15:49

Trong vụ án ‘tranh chấp di sản thừa kế’ cả Luật sư và Viện kiểm sát đề nghị áp dụng thời hiệu về thừa kế để xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuy nhiên HĐXX căn cứ Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 01/01/1991 xác định thời hiệu để chia thừa kế vẫn còn.

Nguyên đơn rút hai yêu cầu khởi kiện

Ngày 17/1, HĐXX TAND huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án dân sự ‘tranh chấp chia di sản thừa kế’ mà đồng nguyên đơn là 4 chị em ruột, đều đã ở tuổi ngoài 60; còn bị đơn là bà P.T.B (chị cả - PV) năm nay đã bước sang tuổi 83.

anh-minh-hoa.jpg
Hình minh họa

Tại phiên tòa hôm nay, đồng nguyên đơn bất ngờ rút hai yêu cầu khởi kiện liên quan đến thửa đất số 92 và phần đất ao được quy đổi từ phần đất nông thôn 5% tại thôn Hậu Xá, xã Phương Tú. Đồng thời, giữ nguyên quan điểm đề nghị Tòa chia thửa đất số 359 bằng các kỷ phần bằng nhau; mục đích duy trì nơi thờ tự gia tộc.

Trong khi đó, phía bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố yêu cầu Tòa chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại là diện tích đất 400m2 mà bà P.T.T (em gái thứ 2 – PV) đang quản lý sử dụng tại thôn Hậu Xá theo quy định.

Tranh luận tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị đơn cho biết, trong vụ án này, do bố mẹ của các đương sự qua đời không để lại di chúc, cụ bà N.T.Y mất vào ngày 19/2/1992, còn cụ ông P.V.T mất ngày 28/8/1994. Căn cứ theo Điều 623, Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với cụ Y đã hết.

Từ đó, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thời hiệu chia di sản thừa kế của cụ T để lại theo quy định của pháp luật và xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn. Ngoài ra luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét công sức quản lý, trông nom, tôn tạo di sản trong gần 30 năm qua của bà B.

Nêu quan điểm tại phiên tòa, đại diện VKS cho biết, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Vì vậy cần cần áp dụng thời hiệu về thừa kế để xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chia một nửa phần tài sản của cụ T. theo quy định của pháp luật cho 6 người con.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, Viện kiểm sát cho rằng không có căn cứ bởi lẽ phần đất này hiện thuộc quyền quản lý sử dụng của bà P.T.T do bố mẹ cho từ khi còn sống và đề nghị đình chỉ yêu cầu về chia đất 5% do đồng nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện.

Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện

Sau khi xem xét đầy đủ các chứng cứ, ý kiến trình bày của các đương sự, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, về thời hiệu khởi kiện, ngày 5/6/2022, đồng nguyên đơn có đơn khởi kiện chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Căn cứ Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 01/01/1991, xác định thời hiệu để chia thừa kế vẫn còn.

Do phía đồng nguyên đơn rút hai yêu cầu khởi kiện, nên thửa đất số 92 và phần đất ao được quy đổi từ phần đất nông thôn 5% vẫn do bà P.T.B và con gái tiếp tục sử dụng.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn đề nghị chia đất diện tích 400m2 do bà P.T.T đang sử dụng. Tòa xác định phần đất này bà T đang sử dụng ổn định từ năm 1972 đến nay, thời điểm đó cụ Y và cụ T vẫn còn sống vì vậy được xem là cho hợp pháp nên không chấp nhận yêu cầu phản tố.

Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn đối với đất số 359. Tòa xác định phần đất này thuộc tờ bản đồ số 27 diện tích 813,6m2, trong đó 182m2 đã được Nhà nước thu hồi để làm dự án mở đường và 52m2 đất hành lang. Như vậy diện tích còn lại 579,6m2 được chia cho 6 người con.

Cụ thể, chia gộp cho đồng nguyên đơn (4 người con gái) mỗi người được hưởng 90m2 quản lý sử dụng chung phần diện tích được chia.

Chia cho bà P.T.S (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan – PV) quản lý sử dụng diện tích 90m2.

Chia cho bà P.T.B được tiếp tục quản lý sử dụng 129,6m2, trên đất có ngôi nhà 5 gian do bố mẹ để lại cùng ngôi nhà 2 tầng do bà B. xây dựng.

Theo hồ sơ vụ việc: cụ P.V.T và N.T.Y sinh được 6 người con gái. Khi còn sống hai cụ tạo lập được một số thửa đất gồm thửa đất số 359, tờ bản đồ số 27 diện tích 836,2 m2 tại thôn Hậu Xá, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa (trên đất có căn nhà 5 gian) và thửa đất số 92, tờ bản đồ số 2, diện tích 322m2 (trên đất có một dãy kiot và căn bà 3 tầng do bà P.T.B xây dựng).

Ngoài 2 thửa đất trên còn có phần đất ao được quy đổi từ phần đất nông thôn 5% diện tích 432m2 tại cùng thôn Hậu Xá.

Đến năm 1992, cụ bà N.T.Y mất; năm 1994 cụ ông P.V.T mất. Sau khi bố mẹ qua đời, phần diện tích đất 836,2m2 do bà P.T.B quản lý sử dụng. Còn tại diện tích đất 322m2, bà B xây dựng căn nhà 3 tầng và cho con gái là chị Đ.T.V.G sinh sống, sử dụng.

Do bố mẹ là cụ P.V.T và N.T.Y mất đều không để lại di chúc nên các đồng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện Ứng Hòa xác lập quyền sử dụng đất chung cho 6 chị em (1 người con gái không khởi kiện – PV) đối với thửa đất số 359, tờ bản đồ số 27, diện tích 836,2m2. Nguyên đơn đề nghị được chia đất bằng các kỷ phần bằng nhau; mục đích duy trì nơi thờ tự gia tộc.

Nếu bà B đồng ý phương án trên, đồng nguyên đơn để bà B toàn quyền sử dụng với thửa đất số 92 (322m2) và phần đất ao được quy đổi từ phần đất nông thôn 5% diện tích 432m2.

Trong trường hợp bị đơn không đồng ý, đồng nguyên đơn yêu cầu chia di sản theo hướng, bị đơn và bà S. được sử dụng thửa 92. Còn thửa đất số 359 được xác lập quyền sử dụng chung cho nguyên đơn để duy trì nơi thờ tự.

Trong khi đó, bị đơn (bà P.T.B) phản tố cho biết, ngoài các diện tích đất nêu trên thì di sản của bố mẹ còn có diện tích đất khoảng 400m2 mà hiện nay gia đình bà P.T.T (em gái thứ 2 – PV) đang quản lý sử dụng tại thôn Hậu Xá. Đề nghị Tòa xác định phần đất này là di sản thừa kế của cụ P.V.T và N.T.Y và chia thừa kế theo quy định.

Ngoài ra, bà B cũng cho rằng, cụ bà N.T.Y mất vào ngày 19/2/1992 nên cần áp dụng thời hiệu về thừa kế để xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Còn đối với di sản thừa kế của cụ ông P.V.T (bố bà B – PV) để lại, bị đơn yêu cầu chia cho 6 người con theo quy định của pháp luật.

Đối với diện tích đất 5% đã hoán đổi sang đất ao, hiện nằm trong quy hoạch khu dân cư và được công nhận là đất vườn ao liền kề. Vì vậy, bị đơn cũng đề nghị Tòa chia thừa kế diện tích này theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm chị em đưa nhau ra tòa chia thừa kế: Tòa sơ thẩm ra phán quyết