Theo Tổng cục Thống kê, ước tính năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước và là tốc độ tăng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng.
Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Ước tính năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước và là tốc độ tăng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021 (Năm 2017 tăng 13,5%; năm 2018 tăng 11%; năm 2019 tăng 10,1%; năm 2020 tăng 5,0%; năm 2021 tăng 3,2%).
Trong vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước giảm đáng kể ở mức 2,9% so với mức tăng 14,3% của năm 2020.
Đây là vốn mồi nhằm thu hút vốn đầu tư khác để tạo động lực phát triển, tuy nhiên năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên các nguồn lực của nền kinh tế được tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng khá ở mức 7,2%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 3,0% của năm 2020 và đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của các năm 2017-2019.
Vốn đầu tư từ khu vực FDI giảm 1,1% (năm 2020 giảm 1,3%) và mức giảm này cùng với xu hướng giảm vốn đầu tư nước ngoài của các quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trên thế giới.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2%.