Chiều ngày 14/1/2020 tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến “Tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và CBCC các vụ, cục khối cơ quan Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương (tại các điểm cầu).
Đóng góp quan trọng vào thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách
Theo tóm tắt kết quả công tác năm 2019 của Tổng cục Hải quan, năm vừa qua, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Trước tình hình đó với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị
Kết quả, từ 16/12/2018 đến 15/12/2019, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 17.321 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 4,14 % so với cùng kỳ năm 2018); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 3.035 tỷ 305 triệu đồng (tăng 78,29 % so với cùng kỳ 2018). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 481 tỷ 095 triệu đồng (tăng 37,08 % so với cùng kỳ 2018). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ (giảm 17,74 % so với cùng kỳ 2018). Chuyển cơ quan khác khởi tố 164 vụ (tăng 23,31 % so với cùng kỳ 2018).
Trong công tác kiểm soát chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp: Trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp nhận thấy nguy cơ các đối tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, gian lận trong việc ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu. Xây dựng và triển khai các kế hoạch đấu tranh trọng điểm: Kế hoạch số 773/KH-ĐTCBL ngày 29/7/2019; 441/KH-TCHQ ngày 18/10/2019… Tập trung điều tra xác minh một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, buôn lậu trốn thuế. Phối hợp với các Bộ, ngành thống nhất và trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra xác minh thông tin vụ việc Công ty Cổ phần Tập đoàn ASANZO và đề xuất kiến nghị tăng cường kiểm soát đối với các trường hợp tương tự rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ trong quản lý nhà nước về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.
Hiện nay hoạt động của tội phạm về ma túy trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không và chuyển phát nhanh vẫn gia tăng, diễn biến phức tạp xuất hiện các phương thức thủ đoạn tinh vi và buôn bán số lượng lớn. Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch số 4575/KH-TCHQ ngày 15/7/2019 về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong ngành Hải quan. Xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh, phòng chống ma túy ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất đầu tư trang thiết bị, phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng; sửa chữa, nâng cấp thiết bị chuyên dụng đang sử dụng hỗ trợ công tác phòng, chống ma tuý; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống ma tuý; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và Bộ Y tế trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về ma tuý và kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma tuý. Trong năm 2019 (tính đến 15/12/2019), toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 194 vụ án, chuyên án; thu giữ 812 bánh heroin; 260.498 viên ma túy tổng hợp; 176 kg cocain....
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) năm qua cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2019, lực lượng KTSTQ toàn ngành Hải quan đã chủ động đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin tập trung vào các chuyên đề, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, các mặt hàng rủi ro cao: Chuyên đề về trị giá bộ bài lá bằng giấy; Chuyên đề kiểm tra đối với doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; Chuyên đề khoáng sản xuất khẩu, thép, nhôm....Công nhận chế độ doanh nghiệp ưu tiên đối với 08 doanh nghiệp nâng tổng số doanh nghiệp đang hưởng chế độ doanh nghiệp ưu tiên lên 70 doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu Ngân sách Nhà nước
Về phương hướng thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2020 trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu Ngân sách Nhà nước. Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định… của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Quang cảnh Hội nghị
Với vai trò là cơ quan Thường trực công tác 389 của Bộ Tài chính, tiếp tục: Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới: tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện như rượu ngoại, xăng dầu...; theo dõi, giám sát chặt chẽ các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan; đấu tranh ngăn chặn tình trạng xuất khẩu khống hàng hóa để được hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận xuất xứ hàng hóa để trốn thuế. Đẩy mạnh đấu tranh với hoạt động buôn lậu các loại hàng hóa khác như hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ma túy, hàng thuộc danh mục CITES, vũ khí, hàng cấm khác...
Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, An ninh hàng không, các Hiệp hội, doanh nghiệp...; Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với Hải quan các nước chú trọng các thông tin về các vụ việc, vi phạm của các đối tượng, lô hàng cụ thể, thông tin về buôn lậu ma túy, hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về phương thức, thủ đoạn mới để chủ động phân tích, dự báo tình hình; Nâng cao công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực cho lực lượng kiểm soát Hải quan.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 7180/CT-TCHQ ngày 19/11/2019 của Tổng cục Hải quan về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác KTSTQ trong toàn quốc. Trong đó tập trung kiểm tra theo rủi ro và dấu hiệu vi phạm. Chú trọng thực hiện kiểm tra các trường hợp doanh nghiệp có rủi ro cao, hoạt động xuất nhập khẩu phức tạp và thực hiện sản xuất, xuất nhập khẩu tại nhiều địa phương khác nhau; kiểm tra làm mẫu các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm trọng điểm để chỉ đạo, hướng dẫn Hải quan địa phương thực hiện. Đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp, trước mắt, tập trung vào nhóm doanh nghiệp ưu tiên nhằm tạo sự đồng thuận, hợp tác của Doanh nghiệp đối với công tác KTSTQ trong toàn Ngành...