Vụ án nổi tiếng

Mỹ: Tòa án tối cao bị hối thúc ra phán quyết về quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Trump

Hà Mai 12/12/2023 - 17:59

Ngày 11/12, công tố viên đặc biệt Jack Smith và nhóm của ông đã yêu cầu Tòa án tối cao nhanh chóng xem xét lại tuyên bố về quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến các cáo buộc ông âm mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

my.jpg
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách trì hoãn các phiên tòa hình sự chống lại ông cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. (Ảnh: DW)

Bộ Tư pháp Mỹ từ lâu đã có chính sách nội bộ là không truy tố một Tổng thống đương nhiệm. Yêu cầu của luật sư Smith là yêu cầu đầu tiên trong đó Tòa án tối cao sẽ ra phán quyết về việc liệu các cựu Tổng thống có được quyền miễn trừ này hay không?

Ông Trump phải đối mặt với vô số mối đe dọa pháp lý ở cấp địa phương, tiểu bang và liên bang vì nhiều tội, bao gồm lưu giữ trái phép các tài liệu mật, can thiệp bầu cử và âm mưu lật ngược cuộc bầu cử năm 2020.

Ông đã kháng cáo quyết định ngày 1/12 của Thẩm phán quận Tanya Chutkan, người đã phán quyết rằng, không có cơ sở pháp lý để ông Trump được miễn trừ.

Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Chutkan đã viết, Văn phòng Tổng thống "không cấp thẻ 'ra tù miễn phí' suốt đời", đồng thời nói thêm, "Các cựu Tổng thống không được hưởng điều kiện đặc biệt nào về trách nhiệm hình sự liên bang của họ".

Công tố viên đặc biệt Jack Smith biện minh cho tính cấp thiết của hành động này - bỏ qua các tòa phúc thẩm cấp dưới để Tòa án tối cao sớm đưa ra phán quyết về việc liệu ông Trump có thể bị đưa ra xét xử vì các cáo buộc chống lại ông hay không - bằng cách nói rằng, vấn đề này "trả lời một vấn đề cơ bản cốt lõi của nền dân chủ của chúng ta".

Đơn kháng cáo do nhóm pháp lý của ông Trump đưa ra đã đình chỉ vô thời hạn phiên tòa xét xử các cáo buộc của ông Smith chống lại ông Trump. Vì vậy, công tố viên đặc biệt này đã yêu cầu Tòa án tối cao đẩy nhanh việc xem xét để phiên tòa có thể bắt đầu vào ngày 4/3/2024, như dự kiến ​​ban đầu.

Tòa án sẽ không xem xét vấn đề này trước ngày 5/1/2024, khi các Thẩm phán dự kiến ​​tổ chức cuộc họp riêng tiếp theo.

Quá trình bình thường của một phiên điều trần tại Tòa án tối cao Hoa Kỳ sẽ mất vài tháng, do đó công tố viên đặc biệt Jack Smith đã yêu cầu tiến hành một tình huống khẩn cấp.

Ông Smith cho biết: “Điều quan trọng đối với công chúng là các tuyên bố về quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Trump phải được giải quyết bởi Tòa án này và phiên tòa xét xử ông Trump sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt, nếu yêu cầu miễn trừ của ông ấy bị từ chối”.

Luật sư Smith gọi những tuyên bố về quyền miễn trừ của ông Trump là "sai lầm sâu sắc", đồng thời nói thêm rằng, chỉ Tòa án tối cao mới “có thể giải quyết chúng một cách dứt khoát".

Ông Trump hiện đang dẫn trước rất nhiều đối thủ đang cạnh tranh để trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Các phiên tòa xét xử ông Trump dự kiến ​​sẽ trùng với lịch trình bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa và các chuyên gia pháp lý cho rằng, bằng cách trì hoãn các phiên tòa xét xử với yêu cầu miễn trừ, cựu Tổng thống có thể đang tìm kiếm cơ hội vận động chống lại Tổng thống Biden thay vì xuất hiện trước tòa.

Mặc dù bất thường nhưng yêu cầu này không phải là chưa từng có. Trong nhiều thập kỷ qua, Tòa án đã từng buộc phải tăng tốc đáng kể tốc độ tiêu chuẩn của mình - ra lệnh cho Tổng thống Richard Nixon giao nộp các bản ghi âm bí mật của Phòng Bầu dục trong vòng 2 tháng như một phần của vụ bê bối Watergate và ra phán quyết trong vòng vài ngày trong vụ George W. Bush kiện Al Gore trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ: Tòa án tối cao bị hối thúc ra phán quyết về quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Trump