Thống đốc bang New York (Mỹ), bà Kathy Hochul ngày 30/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ nhằm tăng cường các nỗ lực đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh này.
Sắc lệnh này sẽ cho phép bang New York phản ứng nhanh hơn; đồng thời cho phép giới chức y tế có thêm những biện pháp bổ sung để giúp thêm nhiều người dân của tiêu bang này được tiêm vaccine.
Bà Hochul cho biết, theo thống kê, hiện cứ 4 ca bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ thì bang New York ghi nhận hơn 1 ca.
Bà Hochul cũng nhấn mạnh, hiện giới chức tiểu bang này đang làm việc suốt ngày đêm để đảm bảo có nhiều vaccine hơn, mở rộng năng lực xét nghiệm và hướng dẫn người dân New York thực hiện các biện pháp an toàn.
Trước đó, ngày 28/7, nhà chức trách thành phố San Francisco thuộc bang California, miền Tây nước Mỹ, cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó với sự lây lan ngày càng tăng của bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thành phố.
Cũng trong ngày 30/7, Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng sau khi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi, nhưng cho rằng những biến chứng nguy hiểm vẫn rất hiếm.
Trước đó, ngày 29/7, Trung tâm điều phối cảnh báo và tình trạng khẩn cấp thuộc Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết: “Trong số 3.750 bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được ghi nhận, 120 ca nhập viện (3,2%) và 1 ca tử vong”. Số thống kê chính thức trên không tính đến những ca tử vong mà nguyên nhân đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi.
Ngày 30/7, Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận ca tử vong thứ 2 vì bệnh này. Nhà chức trách Tây Ban Nha không nêu nguyên nhân cụ thể của các ca tử vong này trong khi chờ kết quả khám nghiệm tử thi, nhưng giới chức Brazil cho biết ca tử vong ở nước này có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Brazil ngày 29/7 cũng thông báo ca tử vong đầu tiên vì bệnh này là nam giới, 41 tuổi. Bệnh nhân đang điều trị ung thư và hệ miễn dịch của người này đã gặp những vấn đề nghiêm trọng khiến ông tử vong. Người đứng đầu cơ quan y tế bang Minas Gerais, ông Fabio Baccheretti trấn an người dân: “Tỷ lệ tử vong vì đậu mùa khỉ hiện rất thấp”.
Bà Catherine Smallwood, một quan chức cấp cao của WHO khu vực châu Âu, nhận định khi mà bệnh đậu mùa khỉ ngày càng lây lan ở châu Âu thì số ca tử vong vì bệnh này sẽ gia tăng.
Theo bà Smallwood, mục tiêu hiện nay là cần ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng ở châu Âu và chấm dứt đợt bùng phát hiện nay.
Bà Smallwood nhấn mạnh báo cáo về những ca tử vong đầu tiên vì bệnh đậu mùa khỉ ở bên ngoài châu Phi sẽ không làm thay đổi đánh giá của WHO khu vực châu Âu về đợt bùng phát hiện nay ở châu lục này.
Bà cho biết thêm hầu hết các ca bệnh hiện nay đều tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Theo chuyên gia của WHO, những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân đậu mùa khỉ mà cần nhập viện là khi họ cần kiểm soát cơn đau, nhiễm trùng thứ phát và trong một số ít trường hợp cần kiểm soát các biến chứng đe dọa tính mạng như viêm não.
Trong khi đó, tại châu Phi, trong cuộc họp báo hàng tuần ngày 28/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết kể từ đầu năm đến nay châu lục này đã ghi nhận 2.101 ca bệnh đậu mùa khỉ và 75 ca tử vong vì bệnh này. Hiện tỷ lệ tử vong vì bệnh này tại Lục địa Đen là 3,6%.
Hôm 25/7, CDC châu Phi đã khuyến nghị các nước thành viên tăng cường theo dõi và truy vết các ca có tiếp xúc gần để ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ lây lan.
CDC châu Phi kêu gọi các nước dự trữ vaccine và sẵn sàng phương pháp điều trị cần thiết để đối phó với các ca bệnh đậu mùa khỉ gia tăng, cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin cơ bản về nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp phòng tránh cho người dân.
Hôm 23/7 vừa qua, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Theo WHO, từ tháng 5/2022, hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại 78 quốc gia, trong đó 70% ở châu Âu và 25% ở châu Mỹ. Tây Ban Nha và Brazil là những quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Phi vừa ghi nhận những ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là sốt cao, xuất hiện các nốt phồng rộp trên da. Bệnh này thường tự khỏi sau 2-3 tuần, đôi khi kéo dài 1 tháng. Vaccine đậu mùa của hãng Bavarian Nordic ở Đan Mạch, với tên thương mại là Jynneos tại Mỹ và Imvanex tại châu Âu, có thể phòng đậu mùa khỉ.