Đề xuất hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại 5 khu vực tại Hà Nội đang nhận được nhiều ý kiến của người dân và chuyên gia.
Theo thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10% nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%. Những bất cập trên dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.
Để góp phần giảm ô nhiễm môi trường và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024.
Theo đó, dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm (ô tô xăng, xe máy xăng) sẽ được thực hiện từ năm 2025.
Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (trừ ô tô điện, xe máy điện) di chuyển vào vùng phát thải thấp phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ các phương tiện ưu tiên.
Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).
Dự kiến, quận Hoàn Kiếm là quận tiên phong thực hiện xây dựng khu vực phát thải thấp.
Kế hoạch trên của thành phố nhận được sự tán thành của người dân. Nhiều ý kiến ủng hộ, cho rằng đường phố sẽ thoáng đãng, sạch sẽ và ít ùn, tắc đường giờ cao điểm hơn, ô nhiễm môi trường. Đây là kế hoạch hết sức thiết thực và cần thiết cho giao thông thông minh.
Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng ít nhiều tới cuộc sống của người dân.
Những người chủ yếu kiếm sống bằng xe máy lo rằng việc cấm xe xăng sẽ khiến cuộc sống bấp bênh hơn, làm giảm thu nhập hàng ngày.
Có những người ít phụ thuộc vào việc di chuyển bằng xe xăng sẽ coi đó là một phương án tổ chức giao thông cục bộ, giống như mở rộng phố đi bộ hoặc tạo các tuyến phố chỉ dành cho xe đạp, xe buýt, dù bất tiện nhưng có thể thích nghi.
Còn nếu nhìn nhận ở góc độ sâu hơn, bản chất câu chuyện vẫn là hạn chế cái tiện lợi của cá nhân để đổi lấy lợi ích chung, cả trước mắt và lâu dài cho cả cộng đồng.
Thói quen ít đi bộ, nhu cầu về sự sẵn có quá cao, cộng thêm việc chưa ý thức hết tầm nghiêm trọng của tắc đường và ô nhiễm không khí, là những lý do khiến người đi ô tô, xe máy cá nhân có thể chưa sẵn sàng chuyển đổi. Thiếu một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và rốt ráo, việc bắt tay làm vùng phát thải thấp ở Hà Nội từ năm 2025 sẽ gặp không ít khó khăn.
Theo các chuyên gia, để “cứu” Hà Nội khỏi bụi mịn, không còn cách nào khác là phải kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm chính hiện nay, trong đó đáng kể nhất là nguồn phát thải từ hoạt động giao thông.
Nhưng để đảm bảo thành công khi triển khai, thì bước đi đầu tiên cần làm là phải có một lộ trình đủ thuyết phục.
Trong kế hoạch chưa có lộ trình cụ thể nhưng dự kiến, việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện dần từ đầu năm 2025.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi; và chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện.
Một số chuyên gia về giao thông cho rằng, người dân cần có sự lựa chọn khi thành phố hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy vào khu vực nội đô. Phương tiện công cộng phải được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, thêm các tuyến xe buýt đi vào các phố nhỏ, các khu vực xa trung tâm; các dự án đường sắt trên cao cần sớm hoàn thiện.